Siết chặt quản lý hành lang an toàn đường bộ
Văn bản 1722/UBND-CN1 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các kế hoạch cao điểm giải tỏa các trường hợp vi phạm kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, xử lý vi phạm trên các đường quốc lộ, đường tỉnh. Kết quả lòng đường, hè đường đã trở nên thông thoáng hơn, được người dân đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm phần đất dành cho đường bộ trên một số tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra trở lại, đặc biệt phải kể đến là các khu vực hành lang an toàn đường bộ gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực làng nghề và các khu vực chợ đầu mối.
Trước tình trạng trên, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến chỉ đạo các sở ban ngành, và các huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép kết cấu hạ tầng, công trình đường bộ gây cản trở giao thông, mất an toàn giao thông.
Truy trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện, thành phố
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phạm vi đất dành cho đường bộ, quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ;
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang các tuyến đường bộ theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng trái phép chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ (rửa xe, trông giữ xe ô tô, xe máy, dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang, tổ chức sự kiện, dừng đỗ xe...);
Chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên địa bàn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm tự tháo dỡ các công trình, khôi phục nguyên trạng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không chấp hành theo quy định pháp luật.
UBND các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết giải tỏa các trường hợp sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ để họp chợ, kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu...; có biện pháp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là các tuyến đường đã được bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng;
Chỉ đạo UBND cấp xã chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng chức năng khác thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn;
Tiếp nhận và quản lý mốc lộ giới, quản lý bảo vệ phần hành lang an toàn đường bộ; kiên quyết tổ chức giải tỏa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và duy trì chống lấn chiếm, tái lấn chiếm tại các khu vực đã được giải tỏa;
Quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp xã thường xuyên để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong khu vực;
Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Kế hoạch giải tỏa vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn huyện; đồng thời kiểm soát, quản lý chặt chẽ không để phát sinh vi phạm mới;
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, xâm hại đến công trình đường bộ, nhất là việc vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.