Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: tăng cường quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị tại địa phương này.

Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị tại tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều tồn tại hạn chế. Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị tại tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều tồn tại hạn chế. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Nhiều tồn tại hạn chế trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ phủ kín quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 100% (đối với các khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90%; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 49%.

Vĩnh Phúc đã hình thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều gồm 34 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III và 32 đô thị loại V. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị còn có một số tồn tại, hạn chế: chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch; một số quy hoạch xây dựng tầm nhìn còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng về tổ chức triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và thiếu đồng bộ (đặc biệt về kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).

Các vi phạm trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị diễn ra rất nghiêm trọng tại khu đô thị Đồng Sơn, thành phố Phúc Yên nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Sỹ Hào. 
Các vi phạm trong quản lý quy hoạch và phát triển đô thị diễn ra rất nghiêm trọng tại khu đô thị Đồng Sơn, thành phố Phúc Yên nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Sỹ Hào. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 79 dự án nhà ở, đô thị có tổng diện tích đất là 2.357 ha (trong đó, diện tích đất ở chiếm khoảng 1.120 ha), đáp ứng được chỗ ở cho 256.000 người. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người dân đến xây dựng nhà ở rất thấp, phản ánh rất rõ tình trạng cung vượt cầu ở phân khúc nhà chia lô truyền thống.

Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm bất động sản chưa có sức hấp là do thu nhập của người dân trong tỉnh thấp nên khó tiếp cận được. Địa phương chưa có các giải pháp hiệu quả để thu hút di chuyển dân số cơ học, trong khi việc gia tăng dân số cơ học cho tỉnh Vĩnh Phúc đạt quy mô 1.400.000 người là mục tiêu rất quan trọng, nhằm đảm bảo chỉ tiêu về dân số để duy trì tồn tại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Các nhiệm vụ cấp bách

Để nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời đảm bảo định hướng theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng triển khai ngay nhiệm vụ đề xuất điều chỉnh các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011.

Triển khai 2 đồ án quy hoạch chung đô thị mới loại IV Tam Dương, Yên Lạc và các đồ án quy hoạch chung đô thị mới loại V. Đề xuất công tác lập quy hoạch chi tiết Đầm Vạc và khu vực lân cận theo quy định để bảo tồn và phát huy giá trị không gian cảnh quan mặt nước Đầm Vạc làm cơ sở để quản lý, triển khai dự án đầu tư xây dựng.

Một góc Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Sỹ Hào. 
Một góc Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Sỹ Hào. 

Đề xuất triển khai thiết kế đô thị hình thành một số tuyến phố kiểu mẫu, điển hình trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên. Đối với các công trình mang tính biểu tượng, cổng chào, điểm nhấn tại các cửa ngõ chính của đô thị khuyến khích thông qua việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan cho đô thị.

Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh các biện pháp giải quyết ngay các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp giải phóng mặt bằng đối với các dự án, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế giao đất, nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông có tính kết nối liên vùng, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp các nội dung về giao thông đảm bảo tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt; trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe) tại các khu vực đô thị và khu vực có mật độ giao thông lớn.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trong việc tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; tổ chức thực hiện phương án cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất.

UBND các huyện, thành phố ưu tiên cân đối ngân sách, bố trí kinh phí kịp thời, đầy đủ cho công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của địa phương.

Tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cần nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khẩn trương và quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.