Kiểm tra toàn diện tất cả các lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu
Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố trên địa bàn sẽ tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; hàng giả; hàng cấm những tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bên cạnh nhiệm vụ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật tới các tầng lớp Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, hàng giả, hàng cấm, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thuế, y tế... tổ chức kiểm tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu.
Tập trung triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản và các biện pháp trinh sát để nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các đối tượng trọng điểm, xác lập chuyên án bóc gỡ, triệt phá đường dây, băng ổ nhóm, xử lý đối tượng cầm đầu; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm.
Đối tượng kiểm tra gồm các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; sản xuất, kinh doanh hàng hoá; trung tâm thương mại, siêu thị; các kho hàng, tụ điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, cửa hàng, cửa hiệu, các chợ và phương tiện vận tải hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng các ứng dụng di động, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram... hoặc các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... để kinh doanh hàng hóa.
Nội dung kiểm tra
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy tờ nhập khẩu, xuất khẩu, giấy phép vận chuyển và các giấy phép khác liên quan, việc thực hiện các điều kiện kinh doanh theo quy định.
Kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của hàng hóa, nhất là đối với hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài. Kiểm tra việc kê khai, đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành.
Kiểm tra việc thực hiện cân, đong, đo, đếm, đóng gói, chất lượng hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng cân, đong, đóng gói để tăng giá bán hàng hóa.
Kiểm tra nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì, hoặc thương hiệu, nhất là với các mặt hàng nhạy cảm như mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm, đối chiếu với các mẫu nhãn hiệu, sáng chế, bản quyền đã đăng ký nhằm phát hiện các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Kiểm tra dấu hiệu đầu cơ, găm hàng, tăng giá nhằm thu lợi bất chính.
Kiểm tra hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra, phát hiện các hành vi lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận về định mức nguyên phụ liệu, chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng, chuyển giá... và việc chấp hành quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế.
Lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vận chuyển các mặt hàng cấm như: pháo các loại; thuốc nổ; ma túy; gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; động vật hoang dã…
Kiểm tra hàng tiêu dùng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân như dược phẩm, mỹ phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế; lương thực, thực phẩm; thuốc lá, thuốc lá điện tử; hàng dệt may và nguyên liệu; hàng điện tử và linh kiện; điện thoại di động; xe đạp điện... và các mặt hàng tiêu dùng khác.