Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm tăng mạnh

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tính đến thời điểm 15/5, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.505,67 tỷ đồng, tăng 5,60% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 39,37% dự toán giao đầu năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước cũng đạt 10.769,98 tỷ đồng, tăng 0,58% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm 15/5 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.505,67 tỷ đồng, tăng 5,60% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa Sỹ Hào.
Tính đến thời điểm 15/5 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.505,67 tỷ đồng, tăng 5,60% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến thời điểm 15/5 (theo số liệu của Kho bạc Nhà nước) tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.505,67 tỷ đồng, tăng 5,60% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 39,37% dự toán giao đầu năm.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phục hồi trở lại trong 3 tháng trở lại đây, qua đó tác động tích cực tới nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phục hồi. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 
Hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phục hồi. Ảnh minh họa: Sỹ Hào. 

Đóng góp lớn nhất vào mức tăng thu ngân sách trên địa bàn là các khoản thu về nhà, đất với 1.168,0 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu từ thuế GTGT tăng khá, đạt 1.826,88 tỷ đồng, tăng 53,80%, tác động tổng thu nội địa tăng 8,47%, đạt 10.883,79 tỷ đồng. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.795,3 tỷ đồng, giảm 26,72% so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê cũng cho biết, tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/5 đạt 10.769,98 tỷ đồng, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) đạt 6.159,69 tỷ đồng, giảm 8,37%, chi thường xuyên đạt 4.559,79 tỷ đồng, tăng 15,07%.

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng ổn định

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn duy trì mức ổn định và được giữ nguyên so với tháng trước, lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4 - 10,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2 - 6%/năm đối với từng kỳ hạn.

Tỷ giá và ngoại hối tiếp tục duy trì xu hướng tăng do chịu tác động từ đồng USD thế giới tăng và duy trì ở mức cao; trên thị trường liên ngân hàng lãi suất VND thấp hơn USD; nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhập khẩu nguyên vật liệu.

Ước tính tại thời điểm 31/5, tổng nguồn vốn huy động đạt 125.000 tỷ đồng, giảm 0,97% so với cuối năm 2023. Mặc dù lãi suất huy động có xu hướng giảm thấp, song các ngân hàng thương mại nỗ lực đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi để thu hút nguồn tiền gửi, từ đó kích thích được nguồn tiền gửi từ dân cư quay trở lại (ước đạt 86.210 tỷ đồng) tăng 2,75% so với cuối năm 2023, bù đắp cho sự sụt giảm từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế do các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện quyết toán, chuyển lợi nhuận về nước (ước đạt 38.790 tỷ đồng) giảm 8,34% so với cuối năm 2023.

Tổng dư nợ cho vay ước tính tại thời điểm 31/5 đạt 130.500 tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2023, chủ yếu ở các khoản vay ngắn hạn, có tính thanh khoản cao. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 2,32%, chiếm 72,80% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 35.500 tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối năm 2023, chiếm 27,20% tổng dư nợ.

Phân theo đối tượng vay vốn, dư nợ khu vực hộ gia đình, tư nhân, cá thể đạt 75.614 tỷ đồng, chiếm 57,94% tổng dư nợ, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình; khu vực doanh nghiệp đạt 54.500 chiếm 41,76% tổng dư nợ và tăng 2,85% so với cuối năm 2023. Nợ xấu 1.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,07% trên tổng dư nợ.

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ước đến 31/5 đạt 4.550 tỷ đồng; tăng 1,22% so với cuối năm 2023, với hơn 109 ngàn khách hàng đang vay vốn. Dư nợ cho vay một số chương trình cụ thể như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo 1.020 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên 90 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 1.030 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 1.960 tỷ đồng.