Doanh thu ngành thương mại dịch vụ ghi nhận mức tăng
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong 7 tháng đầu năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới biến động mạnh do cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột kéo dài tại Nga-Ukraine và dải Gaza. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lãi suất ngân hàng cao, cùng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, và giá trung bình của hàng hóa giảm nhờ nguồn cung được cải thiện. Trong nước, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giúp hàng hóa và dịch vụ ổn định.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, lượng hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, không có biến động bất thường về giá các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng so với cùng thời điểm năm trước.
Kể từ tháng 3/2024, doanh thu các ngành thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tục ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước, đóng góp tích cực vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 ước đạt 6.667,7 tỷ đồng, tăng 10,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 5.396,4 tỷ đồng, tăng 9,04%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước tính đạt 654,2 tỷ đồng, tăng 18,18%; doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 617,1 tỷ đồng, tăng 14,46%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 44.346,8 tỷ đồng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 35.927,2 tỷ đồng, chiếm 81,01% tổng mức, tăng 6,23% và đóng góp 5,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Các ngành dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đóng góp lớn vào mức tăng chung của bán lẻ hàng hóa, thương mại dịch vụ tại địa phương, gồm: nhóm lương thực, thực phẩm tăng 21,41%, đóng góp 3,47 điểm phần trăm; nhóm hàng may mặc tăng 33,41%, đóng góp 1,18 điểm phần trăm; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 15,61%, đóng góp 1,43 điểm phần trăm.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ và đại lý kinh doanh đã đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có tính chất mùa vụ (thời trang, thiết bị, đồ điện gia dụng, hóa mỹ phẩm...) để thu hút sự quan tâm của khách hàng, kích cầu tiêu dùng và gia tăng doanh thu.
Lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành cũng đạt mức doanh thu ấn tượng, ước tính đạt 4.238 tỷ đồng, chiếm 9,56% tổng mức, tăng 12,57% và đóng góp 1,15 điểm phần trăm.
Trong các tháng của quý II/2024, lượng du khách đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh như Tam Đảo, Flamingo… tăng cao nên doanh thu ngành dịch vụ du lịch tăng mạnh. Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.181,6 tỷ đồng, chiếm 9,43% tổng mức, tăng 12,22% và đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung so với cùng kỳ.
Hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận sự ổn định và phát triển mạnh mẽ. Tháng 7/2024, ước tính tổng doanh thu ngành vận tải kho bãi đạt 734,9 tỷ đồng, tăng 3,47% so với tháng trước và tăng 29,81% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu ngành vận tải ước đạt 4.793,5 tỷ đồng, tăng 31,40% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực vận tải hành khách, số lượng hành khách vận chuyển trong tháng ước đạt 3,0 triệu hành khách; luân chuyển đạt 178,6 triệu hành khách.km (tính theo cả 2 yếu tố khối lượng hành khách vận chuyển và cự ly, khoảng cách di chuyển); doanh thu ước đạt 122,7 tỷ đồng, tăng 5,06% so với tháng trước và tăng 60,47% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực vận tải hàng hóa, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 3,5 triệu tấn; luân chuyển đạt 441,5 triệu tấn.km (tính theo cả 2 yếu tố khối lượng hàng hóa vận chuyển và cự ly, khoảng cách); doanh thu ước đạt 530,1 tỷ đồng, tăng 3,20% so với tháng trước và tăng 19,75% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, trong thời gian tới, các ngành dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa và mở rộng tiêu dùng.