Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinh quang Nhà báo chúng tôi!

Phạm Xuân Kỳ (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2020), chúng tôi sẽ cùng quý vị độc giả gặp gỡ với Nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập báo Xây dựng, để nghe anh chia sẻ về công việc của mình. Và đặc biệt, chúng ta sẽ biết thêm một tài năng nữa của anh đối với âm nhạc qua một số ca khúc mà anh đã viết.

Nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng.
Mời tác giả chia sẻ về cảm hứng sáng tác bài hát “Nhà báo chúng tôi”?
Tôi yêu nghề báo và đã gắn bó 30 năm với nghề làm báo. Ngày 21/6 - ngày truyền thống Báo chí Việt Nam và cũng là dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020); tôi đã dành nhiều tâm huyết viết ca khúc “Nhà báo chúng tôi” để ca ngợi tôn vinh về nghề báo vốn gian nan, vất vả nhưng vinh quang và rất tự hào. Qua đó, tri ân các nhà báo đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
“Vinh quang Nhà báo chúng tôi
Đối mặt bão giông giữa những dòng đời lũ siết
Trang báo - Cuộc đời
Ôi ! Hạnh phúc, tự hào nghề báo tôi yêu”
Qua hình ảnh nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú của TTXVN bị lũ cuốn trôi khi đang tác nghiệp tại Cầu Thia, thị xã Nghĩa lộ, tỉnh Yên Bái (2017) là một tấm gương sáng cho thế hệ nhà báo trẻ học tập.
“Đối mặt bão giông giữa những dòng đời lũ siết” - nghĩa bóng muốn nói nghề báo là một nghề nguy hiểm, nhiều cạm bẫy, nhà báo không vững lập trường dễ bị chi phối ngã gục bởi đồng tiền của cơ chế thị trường. Cho nên “Đạo đức” của người làm báo đó là: “Bút sắc, lòng trong, tâm luôn sáng ngời” được thể hiện là một điểm nhấn trong ca khúc này.
Hành trình đến với nghề báo của anh?
Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi công tác trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình và rất thích nghề báo nên xin làm cộng tác viên các báo Hà Sơn Bình, báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Tiền phong… Ngày ấy, công trường có đến mấy vạn người làm việc, sôi động, ầm ào tiếng máy, tiếng xe suốt ngày đêm… sau những giờ làm việc ca, kíp tôi xách máy ảnh đi chụp ảnh, làm tin gửi đăng báo. Những tin tức sốt dẻo lại ở một công trình xây dựng trọng điểm quốc gia nên tin, ảnh của tôi bắt đầu xuất hiện dần trên các báo trung ương với dòng chú thích nhỏ: “Tin và ảnh: Tào Khánh Hưng”.
Cho đến tháng 10/1991, khi tách tỉnh Hà Sơn Bình làm 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây thì tôi về làm phóng viên đầu quân cho báo Hòa Bình. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, hiệu quả tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Chính trị - Xã hội báo Hòa Bình, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình.
Tháng 3/2000, tôi được điều chuyển về công tác tại báo Xây dựng - Bộ Xây dựng. Hồi ấy Báo Xây dựng mới ra đời được hơn một năm còn ít người, nên rất cần người làm việc. Về Báo Xây dựng tôi là phóng viên thuộc Phòng Biên tập - Phóng viên, sau đó được Bổ nhiệm làm Phó phòng, Trưởng phòng Biên tập - Phóng viên, luân chuyển làm Trưởng phòng Hành chính - Trị sự, rồi Trưởng phòng Thư ký - Tòa soạn. Đến tháng 9/2013, được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng. Công việc hàng ngày là tổ chức nội dung, biên tập tin, bài duyệt báo trước khi in, xuất bản.
Hành trình đến với âm nhạc của anh như thế nào?
Tôi đến với âm nhạc từ năm 2017. Tôi thích dòng nhạc của nhạc sĩ Tuấn Phương những sáng tác của anh mang đậm chất dân gian, trữ tình. Thỉnh thoảng anh em mới gặp nhau, anh kể về ý tưởng, sáng tác và được nghe ca khúc mới. Nghe xong anh bảo nhận xét về giai điệu và ca từ thế nào? Tôi rất thích những ca khúc của anh. Và có ý định viết ca khúc từ đấy.
Nhạc sĩ Tuấn Phương có chuyên môn sâu, anh nguyên Phó Trưởng Ban Văn nghệ - Đài Tuyền hình Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Sao Mai của Đài, là Chủ tịch Hội đồng giám khảo chuyên chấm giải các cuộc thi tiếng hát của Đài THVN nên khắt khe về chuyên môn và rất kiệm lời khen.
Hôm ca khúc “Trường Sa yêu thương” của tôi được ca sĩ Hoài Phương hát trực tiếp phát sóng trên kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, anh gọi điện cho tôi chúc mừng và nhận xét: “Ca khúc này em viết khá đấy. Tuy nhiên, chỉ cần chỉnh lại khúc thức một chút thì bài hát sẽ hay hơn”.
Tôi rất vui vì lần đầu tiên được anh khen và chính sự khích lệ này là nguồn động viên tôi giúp tôi có thêm động lực cảm xúc sáng tác.
Nhà báo Tào Khánh Hưng trong một chuyến công tác đến thăm bà con khu tái định cư Mường Tè - Thủy điện Lai Châu.

Những tác phẩm âm nhạc đầu tay? Và tới bây giờ anh đã có bao tác phẩm?
“Nỗi nhớ”, “Nhớ Mẹ”, “Tự hào Cô giáo trẻ” là những ca khúc đầu tiên tôi viết. Cho tới bây giờ tôi đã sáng tác được hơn chục ca khúc.
Bài hát nào mang đến cảm xúc nhất cho anh?
“Trường Sa yêu thương” là ca khúc để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đó là kết quả chuyến công tác dài ngày lênh đênh giữa biển khơi (5/2017) khi ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ngoài các bài báo mang tính thời sự viết về Trường Sa thì ca khúc “Trường Sa yêu thương” để lại trong tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất, đó là khi con tàu hạ neo giữa ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao làm lế tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao ngày 14/3/1988.
Trên sân của boong tàu, mọi người xếp hàng đứng nghiêm trang. Khi Trưởng đoàn đọc lời điếu rồi lần lượt từng người lên dâng hương, hoa... ai cũng rưng rung, khóc nhớ thương các anh. Cầu mong linh hồn của các anh được siêu thoát.
Trường Sa, Hoàng Sa là mảnh đất thiêng liêng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi lẽ đã có nhiều thế hệ chiến sĩ Hải quân hy sinh bảo vệ quần đảo, giờ đây máu các anh đã hòa vào nước mặn biển xanh, xương, thịt các anh vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng sâu đại dương giá lạnh.
Thông qua “Trường Sa yêu thương” tôi tỏ lòng khâm phục sự hy sinh kiên cường vượt qua nhiều thiếu thốn, gian khổ của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió trước sự rình rập của kẻ thù. Và muốn gửi tới các anh thông điệp rằng: Đồng bào cả nước luôn ở bên các anh, cả nước luôn hướng về Trường Sa, vì Trường Sa.
“Trường Sa quần đảo linh thiêng
Em biết không? có máu xương bao người
Em ơi, ra đảo một lần
Để lòng ta thấy thêm gần Trường Sa…”
Sáng tác âm nhạc và viết báo có gì giống nhau?
Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn tả, sáng tác ca khúc âm nhạc thì ngôn ngữ là những ca từ đẹp, có hình ảnh phải được chọn lọc sắp xếp theo khúc thức, giai điệu bay bổng, từng nốt nhạc thể hiện cao độ, trường độ và âm sắc qua từng giọng ca. Cả hai lĩnh vực sáng tác ca khúc và viết báo có một điểm chung là người viết phải có thực tế, có tính sáng tạo, giàu cảm xúc, nhìn nhận một vấn đề cần khách quan, trung thực.
 
Phản hồi của đồng nghiệp về các ca khúc của anh?
Khi nghe các ca khúc tôi viết mọi người ai cũng rất vui và chung một nhận xét: Các ca khúc trữ tình, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ giản dị, trong sáng.
Ví dụ như bài “Nhà báo chúng tôi”. Các đồng nghiệp nói rằng: “Nghe bài hát thấy giai điệu hào hùng, tự hào và yêu nghề báo hơn. Người trong nghề nên viết sâu và đúng với công việc hàng ngày của người làm báo”.
Báo chí mang đến cho anh sự nghiệp - vậy những ca khúc mà anh viết mang đến cho anh điều gì?
Trước hết phải nói rằng âm nhạc đối với tôi như một người bạn chia sẻ nhiều cảm xúc. Có điều không nói được với ai, nhưng qua âm nhạc tôi nói được. Âm nhạc đã mang đến cho tôi niềm vui, thêm yêu cuộc sống và yêu đất nước con người hơn.
Sáng tác mới gần đây nhất của anh?
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới trong đó có Việt Nam, hàng ngày được thấy sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ ngành Y tế trong cuộc chiến dịch này. Đặc biệt là các y, bác sĩ, CBNV Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong những ngày bùng phát dịch, bị cách ly mà vẫn âm thầm làm việc cứu chữa cho bệnh nhân. Và ca khúc “Áo trắng tuyến đầu” của tôi đã được ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Bài hát được hát vang cũng là lời tri ân của đồng bào cả nước gửi lời tới đội ngũ các y, bác sỹ trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19. Bài hát này tôi phổ theo bài thơ của TS.BS.CKCII Vũ Hiền Phương (Bệnh viện Bạch Mai) gửi cho tôi đăng trên Báo Xây dựng.
Sau khi đăng trên báo, tôi đã biên tập lại, bổ sung ca từ và phổ thành bài hát. Ca khúc đã được hát vang trong thời điểm cả đất nước đang gồng sức chung tay chống dịch. Áo trắng tuyến đầu đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả là kịp thời cổ vũ, động viên tạo động lực để cán bộ, y bác sỹ quyết tâm thắng dịch hung tàn.
“Thương đến thắt lòng áo trắng tinh khôi
Giành giật sự sống cho bệnh nhân không biết mình kiệt sức
Tự cách ly mà không cần đợi lệnh
Xa cuộc sống đời thường vẫn làm việc tận tâm…”
Thật cảm động hơn khi “Áo trắng tuyến đầu” được phát sóng ngay trong khu cách ly Bệnh viên Bạch Mai, Nhà thơ - BS CKCII Vũ Hiền Phương xúc động chuyển dòng tin nhắn tới tôi như sau: “Vô cùng xúc động. Cảm ơn Nhà báo Tào Khánh Hưng, đã đồng cảm sâu sắc và thông qua ca khúc ân tình này, đã gửi những tình cảm chân tình nhất tri ân đặc biệt đến những thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch… Là tác giả lời thơ, tôi xin được thay mặt các đồng nghiệp áo trắng yêu quý của tôi, trân trọng gửi đến nhà báo lời cảm ơn từ trái tim mình”.
Thời gian tới anh còn dự định dạo chơi với âm nhạc bằng nhiều sáng tác mới nữa không?
Trước mắt tôi sẽ ra một đĩa CD lưu lại các ca khúc mà tôi đã viết trong mấy năm vừa qua. Và hoàn thiện thêm một đứa con tinh thần nữa sắp được ra đời sau một chuyến công tác tại tỉnh Lai Châu. Đó là ca khúc “Mường Tè quê em”.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả ca khúc “Nhà báo chúng tôi”