- Hãy nói về kịch bản đoạt giải “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” của nhóm tác giả The Whale Hunters. Họ đã thuyết phục ban giám khảo (BGK) chính và các giám khảo nhí như thế nào?
Tôi cho rằng Monta trong dải ngân hà kỳ cục có nhiều yếu tố hài hước hơn cả. Cách xây dựng nhân vật cũng rất rõ nét và đáng nhớ, ví dụ như bạn cá mập ăn chay, bạn chim gõ kiến sợ độ cao, bạn cừu với chiếc áo khoác lộng lẫy nhất giải Ngân hà, hay là quả chuối có thể biến thành phi thuyền.
Đặc biệt, tôi thấy nhân vật Monta được xây dựng rất đáng yêu, rất trong sáng, thông minh và tốt bụng, nhưng bằng một cách nào đó lại không hề tạo cảm giác nhàm chán và giáo điều. Những điểm mạnh nổi bật này cùng lối tư duy vượt giới hạn của nhóm The Whale Hunters đã chinh phục đa số các giám khảo để đạt ngôi vị Quán Quân.
- Theo anh, đâu là những yếu tố quan trọng của một kịch bản hoạt hình tốt? Phim hoạt hình Việt Nam lâu nay có đạt được những yếu tố đó?
Một kịch bản tốt là phải chạm được vào trái tim khán giả. Khán giả của chúng tôi trước tiên là trẻ em Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy trẻ em Việt Nam rất thông minh, nhân ái, và có tư duy khác biệt. Một bộ phim hoạt hình tốt phải lấy được tiếng cười của những khán giả như vậy.
Có thể sẽ là những câu chuyện giản dị mà lôi cuốn, vẽ nên một thế giới mà các em thấy chính mình trong đó. Để làm được điều này, chúng tôi hiểu rằng mình sẽ buộc phải sáng tạo với một tâm hồn trong sáng nhất có thể.
Phim hoạt hình Việt Nam chưa có nhiều ví dụ để chúng ta có thể đánh giá đúng. Nhưng tôi rất nhớ những bộ phim mình từng xem và yêu thích khi còn nhỏ. Những bộ phim đó tôi tin là đã chạm được vào thế hệ ngày đó, còn trẻ em ngày nay chắc chắn sẽ cần những món ăn tinh thần được “nấu” khác đi một chút.
Chất Tây ở phương pháp, còn chất Việt ở tâm hồn
- Trong phần thảo luận, các giám khảo tranh luận khá nhiều về “chất Việt Nam” hay “chất phương Tây”. Anh đánh giá sao về vấn đề này trong hoạt hình Việt Nam và trong cuộc thi?
Rêng cuộc thi này, các tác giả đều được định hướng phải đưa ra được một ý tưởng kịch bản đậm chất “quốc tế”. Chất “quốc tế” theo định nghĩa của chúng tôi là: khán giả ở nước nào cũng có thể cảm nhận được, chứ không phải là một câu chuyện gì đó quá địa phương, hoặc quá nhiều tiểu tiết chỉ người Việt Nam mới hiểu và thích.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn một tác phẩm gần gũi, khi xem phim cũng có thể nhận ra đây là người Việt, có một tinh thần Việt Nam trong đó. “Tây” là ở phương pháp, cách đặt vấn đề sao cho hấp dẫn; còn “Việt” là ở tâm hồn, ở sự sâu sắc của ý tứ. Phải cân bằng ra sao giữa chất Việt và chất Tây, đó chính là bài toán khó dành cho các thí sinh.
- Các tác phẩm trong cuộc thi “Tác giả lừng danh” giải quyết vấn đề “Tây” hay “Việt Nam” như thế nào?
Top 8 được lựa chọn là bởi vì chúng tôi nhìn thấy những cốt truyện khá mở, không bị tự giới hạn về không gian, thời gian. Phần lớn các tác phẩm này đều đưa chú khỉ Monta vào các thiên hà rộng lớn, các nhân vật có thể du hành vũ trụ, vượt thời gian, không bị gói gọn vào đời thực và giàu chất viễn tưởng. Có nhiều thí sinh cũng đưa vào những chi tiết “Việt Nam” khá trực diện như áo dài, nón lá, xe máy…
Nhưng đặc biệt, những tác phẩm top đầu là những ý tưởng mà trong đó tôi thấy tính cách nhân vật có những cái hay, cái thú vị của người Việt. Ví dụ như nặng tình cảm gia đình, mối quan hệ anh-em, bà-cháu, hoặc sự đa dạng về ẩm thực, hay là những tính cách đặc biệt, như việc Monta có mối thù với loài muỗi...
- Vậy còn tính quốc tế của nhân vật Monta và các cuộc thi, VinTaTa có dự định đưa các sản phẩm hướng ra thị trường quốc tế?
Chắc chắn rồi. Về nội dung, VinTaTa sẽ kiên trì sáng tạo, và kỳ vọng ra được những tác phẩm có thể khiến khán giả quốc tế cảm nhận được, cười và khóc theo được. Về hình ảnh, chúng tôi cũng đang làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu để kiến tạo ra những thước phim có chất lượng quốc tế.
Xa hơn, mục tiêu của chúng tôi là đưa chú khỉ Monta trở thành “đại sứ văn hoá” của Vingroup trong mảng du lịch, vui chơi giải trí. Với những bước đầu đang khá thuận lợi, chúng tôi tự tin sẽ đạt được những kỳ vọng này trong một ngày sớm thôi.
- Xin cảm ơn anh!