"Virus bất bình đẳng" lan rộng toàn cầu vì Covid-19

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới công bố của Oxfam chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 có nguy cơ khiến bất bình đẳng kinh tế đồng loạt gia tăng ở hầu hết các quốc gia, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ gần đây.

1.000 người giàu nhất hành tinh đã vượt qua những thiệt hại do Covid-19 gây ra chỉ trong vòng 9 tháng trong khi những người nghèo nhất thế giới có thể sẽ mất hơn một thập kỷ, theo Báo cáo “Virus bất bình đẳng” công bố ngày 25/1 của tổ chức Oxfam tại khai mạc “Đối thoại Davos” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Bất bình đẳng gia tăng đồng nghĩa với việc phải rất lâu để người nghèo trên thế giới có thể trở lại cuộc sống như trước đại dịch, lâu gấp 14 lần so với khoảng thời gian để 1.000 tỷ phú giàu nhất, chủ yếu là nam giới da trắng, khôi phục tài sản của mình.
Một khảo sát toàn cầu mới của Oxfam với 295 nhà kinh tế học đến từ 79 quốc gia cho thấy, 87% người được hỏi, bao gồm Jeffrey Sachs, Jayati Ghosh và Gabriel Zucman, dự đoán rằng bất bình đẳng thu nhập ở nước họ sẽ “tăng” hoặc “tăng mạnh” do hậu quả của đại dịch.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng người nghèo có thể mất hàng thập kỷ để vượt qua những tác động của Covid-19.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng hệ thống kinh tế bị thao túng đang cho phép tầng lớp thượng lưu siêu giàu tích lũy tài sản giữa tâm điểm của cuộc suy thoái tồi tệ nhất sau Đại Suy thoái, trong khi hàng tỷ người đang phải vật lộn để kiếm sống. Đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ về kinh tế, chủng tộc và giới vốn đã tồn tại từ lâu.
Phụ nữ tiếp tục là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên toàn cầu, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong các ngành nghề trả lương thấp và bấp bênh, vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19. Nếu tỷ lệ nam và nữ lao động trong những ngành này là tương đương nhau, 112 triệu phụ nữ sẽ không phải chịu nguy cơ cao bị mất việc làm hoặc thu nhập. Phụ nữ cũng chiếm khoảng 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực chăm sóc xã hội và y tế toàn cầu - những công việc thiết yếu nhưng thường bị trả lương thấp, đồng thời khiến họ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.
Kinh tế công bằng là mấu chốt cho phục hồi kinh tế nhanh sau Covid-19. Nếu đánh thuế tạm thời lên phần siêu lợi nhuận của 32 tập đoàn toàn cầu thu lợi nhiều nhất trong đại dịch, thì có thể đã huy động được 104 tỷ USD Mỹ trong năm 2020. Số tiền này đủ để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho toàn bộ trẻ nhỏ, người già ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Bà Gabriela Bucher - Giám đốc Điều hành của Oxfam International nhấn mạnh sự gia tăng bất bình đẳng “chưa từng thấy trong lịch sử”. “Tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus”.
“Các nền kinh tế bị thao túng đang mang lại của cải cho tầng lớp thượng lưu siêu giàu, những người đang vượt qua đại dịch trong sự xa hoa, trong khi những người ở tuyến đầu - nhân viên bán hàng, nhân viên y tế và tiểu thương - đang phải vật lộn để kiếm ăn và trang trải các khoản chi phí”.
“Phụ nữ cùng những nhóm bị phân biệt chủng tộc và dân tộc thiểu số bị lề hóa đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng - họ đối mặt với nguy cơ cao bị đẩy vào cảnh nghèo đói, túng thiếu, và không được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Khối tài sản của các tỷ phú đã tăng trở lại khi thị trường chứng khoán phục hồi, bất chấp nền kinh tế thực đang tiếp tục suy thoái. Tháng 12/2020, tổng giá trị tài sản của họ đạt 11,95 nghìn tỷ USD, tương đương với số tiền chính phủ các nước G20 đã bỏ ra để khắc phục hậu quả của Covid-19. Trong khi đó, chặng đường phục hồi sẽ dài hơn nhiều đối với những người vốn đã chật vật từ trước Covid-19. Khi đại dịch ập đến, hơn một nửa số người lao động ở các nước nghèo phải sống trong cảnh nghèo đói, và 3/4 số người lao động trên toàn cầu không được tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội như nghỉ ốm có lương hay trợ cấp thất nghiệp.
Bà Bucher nói thêm: “Bất bình đẳng cực đoan không phải là không thể tránh khỏi, mà phụ thuộc vào lựa chọn của các chính phủ. Họ phải nắm lấy cơ hội này để xây dựng những nền kinh tế hậu Covid-19 bình đẳng hơn, bao trùm hơn, bảo vệ hành tinh và chấm dứt đói nghèo”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần