70 năm giải phóng Thủ đô

Virus corona mới chính thức có tên là "COVID-19"

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/2 tuyên bố rằng "COVID-19" sẽ là tên chính thức của loại virus viêm phổi bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, nói rằng căn bệnh này có thể gây hậu quả mạnh mẽ hơn bất kỳ vụ khủng bố nào.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Trong cuộc họp báo tại Geneva, người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp quốc Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích: "COVID-19" với "CO" là viết tắt của "corona", "VI" cho "virus" và "D" cho "bệnh dịch", trong khi "19" là năm xác định ca nhiễm đầu tiên.
Theo ông Tedros, tên này đã được chọn để tránh tham chiếu đến một vị trí địa lý cụ thể, các loài động vật hay nhóm người, phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về đặt tên nhằm ngăn chặn sự kỳ thị.
Theo một bộ hướng dẫn được ban hành năm 2015, WHO khuyên không nên sử dụng tên địa danh như Ebola, Zika... - nơi những căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện. Những cái tên chung hơn như "Hội chứng hô hấp Trung Đông" hay "Cúm Tây Ban Nha" hiện cũng được tránh vì chúng có thể gây nỗi sợ hãi về địa phương, khu vực hoặc chủng tộc trong tâm trí công chúng.
WHO cũng lưu ý rằng việc sử dụng các loài động vật trong tên có thể tạo ra sự nhầm lẫn, chẳng hạn như bệnh cúm vào năm 2009 thường được gọi là "cúm lợn". Điều này gây tác động lớn đến ngành công nghiệp thịt lợn khi căn bệnh này đang được lan truyền bởi người chứ không phải lợn.
Cùng ngày, phát biểu trước 400 nhà khoa học tại hội nghị quốc tế đầu tiên về chống lại virus corona, ông Tedros cũng cảnh báo rằng virus mới "có thể có hậu quả mạnh mẽ hơn bất kỳ hành động khủng bố nào".
COVID-19 hiện đã giết chết hơn 1.000 người, lây nhiễm hơn 42.000 người và lan đến khoảng 25 quốc gia, trong đó WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể hay vaccine chống lại virus. Các nhóm nghiên cứu vaccine đơn lẻ tại các quốc gia có thể phải mất nhiều năm để đạt được kết quả.
Liên minh đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) - cơ quan được thành lập vào năm 2017 để tài trợ cho nghiên cứu công nghệ sinh học tốn kém sau khi dịch Ebola ở Tây Phi giết chết hơn 11.000 người - cũng đang nỗ lực để đưa ra một loại vaccine cho COVID-19.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng có thể rơi vào tình huống tương tự như trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 - 2003, đã được dập tắt trước khi vaccine được phát triển đầy đủ.