Visa điện tử sẽ là bước tiến quan trọng “hút” khách quốc tế

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng cho rằng, việc áp dụng cấp visa điện tử từ ngày 1/1/2017 là bước tiến quan trọng của ngành du lịch về thủ tục hành chính, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Thưa ông, được biết, nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng visa điện tử, vậy, hiệu quả của E-visa đã được chứng minh như thế nào?
-Trên thực tế, E-visa đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Vietrantour cho rằng Ấn Độ là nước đã ứng dụng rất tốt thị thực điện tử. Từ khi áp dụng vào tháng 11/2014, Bộ Du lịch nước này đã công bố lượng khách đăng ký E-visa đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước khi áp dụng thị thực điện tử.
 Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng.

Tính đến nay, nước này đã mở rộng cơ chế thị thực điện tử từ 43 nước lên tới 150 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là xu hướng toàn cầu chung nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh giữa các quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn, minh bạch thông tin và tài chính, dễ dàng quản lý… và tạo điều kiện nhập cảnh thuận lợi cho khách du lịch.

Ông đánh giá như thế nào về việc Việt Nam sẽ áp dụng thị thực visa từ ngày 1/1/2017 tới?

-Vietrantour đánh giá việc Việt Nam áp dụng visa điện tử (E-visa) là một bước tiến quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng lượt khách du lịch đến Việt Nam.

Trong khi đó, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015, Du lịch Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số ngành du lịch của 141 nền kinh tế nhưng về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132). Trong khu vực, các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng. Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ, con số này ở Malaysia là 155, Singapore là 158, Indonesia là 169… Ngoài ra, các nước đều có chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và E-Visa rất thuận lợi. Chính sách thị thực càng đơn giản, khả năng thu hút khách du lịch càng cao. Năm 2014, Malaysia đón hơn 27,4 triệu lượt khách, Thái Lan đón hơn 24,7 triệu lượt, Singapore đón hơn 11,8 triệu lượt, Indonesia đón hơn 9,5 triệu lượt…

Trong khi đó, Việt Nam đến nay mới chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 22 nước (trong đó có 9 nước ASEAN); cấp thị thực tại cửa khẩu thực chất chỉ là nhận thị thực tại cửa khẩu (phải làm thủ tục từ trước); thời gian lưu trú không quá 15 ngày.Ưu điểm của loại hình thị thực này cũng đã được Tổng cục Du lịch nhắc đến trong nghiên cứu, cụ thể: Thị thực điện tử có khả năng đảm bảo ninh tốt hơn, thông tin tương thích, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng, dễ chia sẻ giữa các cơ quan liên quan trong những trường hợp cần thiết; Hệ thống quản lý minh bạch, cập nhật, cả về tài chính và thông tin, giúp giảm các tiêu cực, phiền nhiễu, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch quốc gia; Thị thực điện tử tạo thuận lợi, cho phép du khách có thể xin cấp thị thực qua mạng internet, mở rộng phạm vi của các dịch vụ lãnh sự ngoài Đại sứ quán và Lãnh sự quán, đồng thời sử dụng nhiều ngôn ngữ. Thủ tục này đảm bảo nhanh, tiết kiệm, thân thiện với môi trường do không cần giấy tờ và các thủ tục thuận tiện, đơn giản.

Cũng theo một báo cáo năm 2014 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) thì Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh số lượng khách du lịch tăng từ 8 - 18% nếu tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực. Để hiện thực hóa khả năng này, bên cạnh nỗ lực nâng cấp năng lực và chất lượng hạ tầng và dịch vụ du lịch thì việc áp dụng thị thực điện tử cũng như cải tiến quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu theo hướng dễ dàng, minh bạch, rõ ràng và nhất quán là rất cần thiết.

Theo ông, để việc triển khai áp dụng visa điện tử đạt hiệu quả cao nhất, các bên liên quan cần phải làm gì?

-Vietrantour cho rằng thị thực điện tử khi được áp dụng thường kéo theo lượng khách đăng ký tăng hơn nhiều lần so với thị thực thông thường, vì vậy, các đơn vị chức năng và các cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam cần tăng cường thêm cửa để làm thủ tục nhập cảnh cho đối tượng sở hữu thị thực điện tử, tránh tình trạng tắc nghẽn và để khách du lịch phải chờ đợi quá lâu để thông quan.

 Du khách quốc tế trên phố đi bộ quanh hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh.

Đồng thời, Vietrantour cũng đề xuất các hãng hàng không quốc gia và quốc tế đang khai thác chặng bay đến Việt Nam cần được tuyên truyền thông tin về thủ tục thị thực điện tử để yêu cầu tiếp viên hàng không hướng dẫn trước cho hành khách những thủ tục cần thiết để khách hàng nắm bắt và có tâm lý thoải mái, hoàn thành nhanh chóng thủ tục nhập cảnh.

Ngoài ra, Vietrantour cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần tham mưu cho Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài, chi tiêu cao hơn; mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực tại điểm đến, đồng thời, cải tiến quy trình cấp thị thực tại cửa khẩu theo hướng dễ dàng, minh bạch, rõ ràng và nhất quán; xem xét lại quy định cấm du khách được miễn thị thực quay trở lại trong vòng 30 ngày mà không có một thị thực hợp lệ. Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống cấp thị thực quá cảnh để thu hút khách du lịch và phát triển như một trung tâm trung chuyển trong khu vực.

Theo ông, bên cạnh việc áp dụng visa điện tử, chính sách visa của Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nào để tạo thuận lợi tốt nhất cho du lịch phát triển?

-Theo thông tin ghi nhận của Vietrantour thì chính sách miễn thị thực 5 nước châu Âu được đưa ra năm 2015, làm tăng 20% lượng khách du lịch châu Âu vào Việt Nam. Đồng thời, theo tính toán của nhóm công tác Du lịch đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thì nếu Việt Nam mở rộng miễn thị thực cho các quốc gia, lượng khách đến có thể tăng khoảng 160.000 lượt thúc đẩy ngành du lịch khách sạn sẽ đóng góp khoảng 20 triệu USD thuế giá trị gia tăng. Như vậy, với nguồn lợi không hề nhỏ từ việc thuận lợi hóa thị thực, Vietrantour cho rằng việc duy trì miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm là cần thiết, song song với việc triển khai thị thực điện tử cho du khách.

Đồng thời, Vietrantour cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch nên tham mưu Chính phủ xem xét việc nới rộng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày đối với các quốc gia hiện đang trong thời gian miễn thị thực đến Việt Nam và gia hạn nâng thời gian miễn thị thực từ 1 lên 5 năm đối với 5 nước châu Âu. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho du khách sẽ có thời gian lưu trú dài hơn tại Việt Nam, đóng góp chi tiêu cao hơn cho ngành du lịch mà còn giúp các DN có thời gian triển khai chiến lược tiếp thị sản phẩm du lịch Việt Nam đến các thị trường quốc gia miễn thị thực hiệu quả, lâu dài hơn.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần