70 năm giải phóng Thủ đô

VKS đề nghị y án sơ thẩm với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/12, TAND Tối cao tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và...

Kinhtedothi - Ngày 8/12, TAND Tối cao tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Trước đó, bị cáo Kiên đã có đơn kháng cáo kêu oan về bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội về cả 4 tội danh "Trốn thuế; Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng". Tại bản án sơ thẩm, tổng hợp hình phạt mà bị cáo Kiên phải nhận cho cả 4 tội danh này là 30 năm tù giam. Các bị cáo còn lại gồm: Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn cũng có đơn kháng cáo và kêu oan. Tuy nhiên, trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo này lại chuyển từ kêu oan sang xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong phiên xét xử sáng 8/12.
Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong phiên xét xử sáng 8/12.
 
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng về tội trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là Nguyễn Thúy Hương. Kết quả thanh tra của Cục Thuế Hà Nội xác định Công ty B&B (công ty của Nguyễn Đức Kiên) kê khai thuế, nhưng không kê khai kết quả của hợp đồng ủy thác nêu trên. Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận thu thuế DN của Công ty B&B năm 2009 từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính là hơn 25 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo phạm tội trốn thuế là có căn cứ pháp luật, không oan.

Về tội lừa đảo, theo đại diện VKS, dù 20 triệu cổ phần đang thế chấp chưa được ACB đồng ý cho giải chấp, nhưng bị cáo Kiên vẫn ký vào hợp đồng chuyển nhượng cho Tập đoàn Hòa Phát, chỉ đạo cấp dưới lập biên bản họp HĐQT khống về việc chuyển nhượng. Vì thế, bản án quy kết Kiên phạm tội lừa đảo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Cùng hành vi nêu trên, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã chấp nhận hình phạt và không kháng cáo. Về hành vi Cố ý làm trái, năm 2011, NHNN chưa có hướng dẫn về hoạt động ủy thác nhưng các bị cáo trong HĐQT ACB đã đồng ý chủ trương ủy thác cho nhân viên đem gửi 718 tỷ đồng vào Vietinbank. Toàn bộ số tiền trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB. Tương tự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Kiên và các đồng phạm đã cố ý làm trái trong việc đầu tư cổ phiếu, thiệt hại cho ACB hơn 687 tỷ đồng là có căn cứ, không oan.

Đại diện VKS khẳng định, cả 4 tội danh nêu trên mà cấp tòa án sơ thẩm đã kết án bị cáo Kiên là đúng người, đúng tội, không oan. Các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" như tòa cấp sơ thẩm tuyên là hoàn toàn có cơ sở và đúng pháp luật. Đối với vấn đề hình phạt, khi quyết định, tòa sơ thẩm đã đánh giá mức độ, vai trò của các bị cáo là thỏa đáng, phù hợp với quy định pháp luật. Vì vậy, đại diện VKS đã bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo và đề nghị HĐXX phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. Riêng bị cáo Trịnh Kim Quang đã rút đơn kháng cáo, VKS đề nghị HĐXX đình chỉ kháng cáo đối với bị cáo Quang.

Sau phần luận tội của vị đại diện VKS đối với các bị cáo, trong ngày 9/12, HĐXX tiếp tục dành thời gian để Luật sư bào chữa cho các thân chủ của mình và các bị cáo được tự bào chữa.