VN-Index nỗ lực lấy lại sắc xanh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đà phục hồi chưa thực sự bền vững nhưng “cầu vồng” đã xuất hiện sau cơn mưa khi VN-Index có 5 phiên phục hồi liên tiếp sau thời gian chỉ số này thủng mốc 1.200 điểm.

Nỗ lực minh bạch, lành mạnh và nâng hạng thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng đang được kỳ vọng là liều doping kéo chứng khoán về lại những ngày vui.

Tăng trong dè dặt

Thị trường chứng khoán (TTCK) kết thúc phiên 31/5 với mức giảm 0,1% sau những nỗ lực giữ phong độ tăng 6 phiên liên tục bất thành. VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,1%) xuống 1.292,68 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 298 mã giảm và 57 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,99 điểm (0,96%) lên 315,76 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 124 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,27%) xuống 95,45 điểm…

Nhà đầu tư tham khảo tại một công ty chứng khoán. Ảnh: Như Quỳnh
Nhà đầu tư tham khảo tại một công ty chứng khoán. Ảnh: Như Quỳnh

Diễn biến thị trường cho thấy, sự phục hồi của TTCK vẫn trong trạng thái dè dặt. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường khó tiến xa và VN-Index nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc, biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu và nới rộng nhẹ vào phiên chiều.

Phiên 31/5 diễn biến sự giằng co liên tục. Giữa phiên chiều, đà hồi phục của thị trường không duy trì được lâu khi áp lực bán mạnh dâng cao, trong đó, hàng loạt các cổ phiếu như: PNJ, FPT, HPG, BVH, HVN, VPB, TPB... đều chìm trong sắc đỏ. PNJ giảm 5,2%, FPT giảm 3,1%, HPG giảm 2,3%, VPB giảm 2,1%... Trong khi đó, ngày 30/5, VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, lên 1.293,92 điểm với 289 mã tăng (22 mã trần) và 145 mã giảm.
Tuy phục hồi dè dặt nhưng giao dịch khối ngoại vẫn là điểm sáng. Có thể thấy dù giảm phong độ so với mức mua ròng trong phiên 30/5 (trị giá 1.670 tỷ đồng), nhưng phiên 31/5, khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 380 tỷ đồng trên HOSE.

Theo thống kê của UBCKNN, 5 tháng đầu năm 2022, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm, từ đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1/2022. Tuy nhiên, TTCK đã có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5/2022.

Trước những biến động mạnh của TTCK, các giải pháp mạnh đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, ổn định trở lại đã được cơ quan này triển khai và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho thị trường. Theo đó, UBCK đã yêu cầu DN phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp; yêu cầu các Sở GDCK thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán; Điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trong ngày đáo hạn; chỉ đạo Sở GDCK Việt Nam và VSD nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật chặn giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ không công bố thông tin trước khi giao dịch...

Kỳ vọng nỗ lực nâng hạng thị trường

Giới chuyên gia đánh giá, những nỗ lực của cơ quan quản lý cùng các thành viên trên thị trường sẽ thực sự quan trọng để thúc đẩy quá trình nâng hạng đến sớm hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư.
Về nâng hạng TTCK, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, UBCKNN tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để TTCK Việt Nam sớm được xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Cơ quan này cũng sẽ đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn hiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành. Sở GDCK Việt Nam đang nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân, việc nâng hạng thị trường giống với việc đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể phân bổ tiền. Về cơ bản, việc nâng hạng dựa vào ý chí nhiều hơn và ông Thuân kỳ vọng với chỉ đạo của Chính phủ sẽ sớm giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng.

Có ý kiến đánh giá hệ thống CNTT đã cải thiện nhưng vẫn chưa có hệ thống mới đồng bộ hơn như kỳ vọng và là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc nâng hạng bị chậm. Ông Thuân cho biết, hạ tầng CNTT là một tiêu chí quan trọng và tin tưởng hệ thống này sẽ sớm được cải thiện, các cơ quan quản lý sẽ có điều kiện triển khai nâng cấp hệ thống như kế hoạch đã đưa ra. Ông Thuân đánh giá việc hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán New York là tin tốt cho thị trường tài chính nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.

Còn theo Tổng Giám đốc Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà, Việt Nam có thể nâng hạng sau hơn 2 năm và thanh khoản sẽ gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có thể đứng trong top đầu của 3 nước trong ASEAN. Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, MBS tin rằng sẽ có tác động tích cực trong việc giải quyết những vấn đề đang tồn tại cho câu chuyện nâng hạng. Những vấn đề liên quan đến định tính như minh bạch… sẽ dần dần đi vào khuôn khổ.

Dự kiến, cuối năm 2022, hệ thống KRX sẽ được đưa vào hoạt động và các sản phẩm mới có thể được triển khai. Điều này sẽ giúp hỗ trợ thanh khoản cùng với đó nâng quy mô TTCK Việt Nam.

Phía Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp minh bạch, lành mạnh để thị trường hoạt động hiệu quả, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư. Đó là tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các DN không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK.

 

"TTCK mặc dù đã có nhịp phục hồi tích cực trong những tuần gần đây và về trung dài hạn vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng vĩ mô, cũng như yếu tố nội tại của thị trường, nhưng bối cảnh chung trên toàn cầu đang gặp nhiều thách thức và biến động khó lường. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác dự báo để chủ động hơn các giải pháp hỗ trợ cho TTCK phát triển ổn định." - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

"Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường." - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân

Đọc tiếp