VNR có khả năng bị “bốc hơi” hơn 3.200 tỷ đồng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng, nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn trong năm 2021 thì vốn chủ sở hữu tại đơn vị này sẽ có khả năng bị “bốc hơi” khoảng 3.200 tỷ đồng. Đây là thông tin vừa được chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2021 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) .

 Ngành đường sắt phải hành động để vượt qua khó khăn thay vì ngồi lo thua lỗ, vốn “bốc hơi”. Ảnh: Hòa Thắng
Một năm bết bát 
Theo Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh, năm 2020, ngành đường sắt đã chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình lũ lụt ở miền Trung. Thêm vào đó, những vấn đề tồn tại từ trước đó của ngành như đường sắt lạc hậu, cũ kỹ, nhiều cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ; tác động của việc thi công gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đã khiến cho ngành khó càng thêm khó. “Dịch Covid-19 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đường sắt trong các đợt vận tải cao điểm Hè, lễ, Tết. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30 - 35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt” – ông Vũ Anh Minh nói.

Cụ thể, năm 2020 có đoàn tàu chỉ đạt 10 - 15% lượng khách vẫn phải chạy để duy trì dù lỗ nặng nề, nhiều tuyến tàu du lịch vắng khách nên phải tạm dừng hoạt động, cắt giảm tần suất như tuyến Hà Nội – Lào Cai. Trong khi đó, doanh thu của ngành vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động vận tải. “Với tình hình như hiện nay và dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn đến hết năm 2021, thì đến năm 2022 vốn chủ sở hữu hơn 3.250 tỷ đồng, tại 2 công ty vận tải đường sắt (gồm Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - PV) sẽ về con số 0. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng Công ty cũng mất sạch vốn” - Chủ tịch HĐTV VNR nhận định.

Đánh giá về tình hình hoạt động kinh doanh của VNR trong năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, đây là năm đầu tiên VNR làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, mức thua lỗ của VNR năm 2020 tương đối cao sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN trong những năm tới. Bởi, Tổng Công ty được giao quản lý nhiều tài nguyên, tài sản nhưng khai thác kinh doanh ra tiền là gần như không có mà dựa vào ngân sách. "Với thực tế hiện tại, ngành đường sắt cần có các chính sách thu hút vốn tư nhân hiệu quả. Để làm được điều này, Đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt được giao tài sản cần làm kỹ càng để trình Chính phủ phê duyệt" - bà Nguyễn Thị Phú Hà chia sẻ.

Hãy hành động thay vì ngồi lo

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc VNR làm ăn thua lỗ trong năm 2020 là điều có thể dự báo được bởi ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, đặc biệt là của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, VNR không thể “bắt” bão lũ và dịch bệnh phải chịu hết trách nhiệm về tình hình kinh doanh bết bát của mình trong năm vừa qua, vì đây cũng là hệ quả đã được dự báo từ trước. “Trong khi đường bộ ngày càng phát triển với mạng lưới đường cao tốc ngày một nối dài, ngành hàng không thậm chí còn phát triển nóng thì ngành đường sắt vẫn vậy, thậm chí thụt lùi. Điều này, khiến cho người dân dần từ bỏ các đoàn tàu để lựa chọn đi máy bay hoặc đi xe khách” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích. Đồng thời cho rằng, chính vì ngành đường sắt “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm qua, trong khi các lĩnh vực vận tải khác phát triển nhanh, là nguyên nhân khiến VNR rơi vào tình trạng như hiện nay.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh bão lũ vừa đi qua, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn rình rập, việc quan trọng nhất mà các DN cần làm là phải tranh thủ từng thời khắc bình yên để phát triển sản xuất. Phải biết tích lũy thành quả sản xuất từng chút một thì năng lực DN mới từng bước phục hồi được. “Tại sao Chính phủ lại để ra nhiệm vụ kép là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh? Khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn thì đây là giải pháp tối ưu nhất. Vì nếu chỉ ngồi lo dịch bệnh mà không sản xuất, không hoạt động thì chẳng cần đến dịch bệnh, các DN cũng sẽ tự suy kiệt, phá sản. VNR nên tập trung vào giải quyết những khó khăn của mình, nỗ lực phục hồi sản xuất thay vì cứ than lỗ và lo vốn chủ sở hữu bốc hơi” – ông Nguyễn Văn Thanh nói.
Những khó khăn và nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn, điểm yếu của ngành đường sắt. Trong khi tái cơ cấu bộ máy VNR chậm tác động đến nhiều hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần