Vỡ mộng cơn say condotel

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với từ khóa “chính chủ cắt lỗ condotel”, google cho ra 47.900 kết quả trong vòng 0,38 giây.

Giới chuyên gia quy hoạch nhận định, với con số khủng xả hàng, dòng sản phẩm condotel (căn hộ khách sạn - bất động sản nghỉ dưỡng) vẫn thiên về đầu cơ hơn kinh doanh ổn định.
Lỗ 800 triệu đồng cũng bán

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, việc bán cắt lỗ các căn hộ condotel không chỉ xảy ra ở những dự án tranh chấp mà ngay cả các dự án mới trên cũng bán tháo. Đặc biệt ở những dự án nằm ở vị trí hạ tầng có nguy cơ quá tải về giao thông hoặc quá hẻo lánh, thiếu tiện ích.
 Khách hàng tìm hiểu thông tin một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Thanh Hóa. Ảnh: Công Hùng
Trong vai người tìm kiếm mua căn hộ condotel cắt lỗ, thông qua các trang web bất động sản (BĐS), phóng viên nhanh chóng liên hệ theo số điện thoại 091656XXXX để giao dịch. Tự nhận là chính chủ, chị Nguyễn Mai S. (Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm) cung cấp thông tin bán tháo một căn hộ ở Phú Quốc. Căn hộ ở tầng 5, tòa S5 có diện tích 45m2 (1 phòng ngủ), hướng Đông Bắc với giá 2,8 tỷ đồng. Chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10%/năm trong 9 năm. Mỗi năm tặng 15 đêm nghỉ miễn phí.

Lý giải về việc cắt lỗ gần 800 triệu đồng (giá gốc hợp đồng hơn 3,5 tỷ đồng), chị T. chỉ trả lời chung chung… do gia đình có việc gấp cần tiền. “Bán đi cũng tiếc nhưng không còn sự lựa chọn khác. Nếu chị muốn mua, phải quyết định nhanh (đặt cọc 50 triệu đồng) chứ giá condotel ở đây đang tăng rất mạnh. Hơn nữa, Phú Quốc sẽ thành đặc khu thì tình hình kinh doanh sẽ vô cùng khả quan. Không mua ngày mai có khách trả hợp lý, em bán luôn, không giữ chỗ suông” - chị này thúc giục.

“Chưa thấy sổ đỏ nào của condotel”

"Những dự án du lịch nghỉ dưỡng hiện áp dụng theo Luật Đầu tư và chủ yếu các nhà đầu tư được địa phương chỉ định thầu hoặc giao đất. Trong đó, nhà đầu tư quy hoạch và được Nhà nước phê duyệt. Condotel nếu đúng đều là các dự án khách sạn cho thuê, nhưng nhà đầu tư muốn chia sẻ lợi ích, huy động vốn trong dân và muốn bán đi thay vì chỉ cho thuê. Bộ TN&MT khi cấp sổ vướng chuyện sử dụng đất. Theo quy định có 2 loại thời hạn sử dụng: Lâu dài và có thời hạn, lâu dài thì chỉ có đất ở. Tôi chưa được nhìn thấy sổ đỏ nào của condotel, Tổng cục Đất đai cũng nói chưa bao giờ thấy. Chủ đầu tư nào cam kết có, cho chúng tôi mượn (?!)." - Ông Phạm Văn Thường -

Trưởng phòng Quản lý BĐS - Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS

Tiếp tục khảo sát thị trường, phóng viên chủ động liên hệ gặp anh Trần Văn L. – nhà đầu tư có thâm niêm 8 năm “lướt sóng” đủ các dòng sản phẩm BĐS. Anh L. chia sẻ, hiện đang ôm hơn 15 căn condotel trải dài từ Bắc chí Nam gần 2 năm nay. Chôn “một đống của” quá lâu nên cạn vốn đầu tư sang dòng sản phẩm khác. Vì vậy, nếu tôi - tức PV tính mua kinh doanh lâu dài hưởng lãi suất hợp lý (8%/năm) anh bán cho một căn giá tốt ở Hải Phòng. Còn mua để đầu tư lướt sóng chốt lời thì anh L. khuyên không nên. Bởi theo anh, với số tiền đó đầu tư sang nhà đất sinh lời nhanh hơn.

Cũng có phần chung cảnh như anh L., hàng trăm nhà đầu tư ở dự án condotel Bavico Nha Trang cũng đang khốn khổ khi “mắc cạn” hàng chục tỷ đồng. “Ở không đặng, lợi nhuận cam kết giảm một nửa (15% còn 8%), nay bán cũng không ai dám mua. Bởi, dự án “dính dớp” đất quốc phòng, chủ đầu tư - Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Bạch Việt lại chây ì, 20 khách hàng từ Hà Nội sống dở chết dở gần 2 năm nay” – chị M, một nhà đầu tư thở dài.

Vẽ sổ đỏ cho… nhà chạy?

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định, làn sóng “tháo chạy” khỏi condotel là có thật. Trước đây, nguồn cung condotel ồ ạt tung ra với hàng loạt ưu đãi (miễn lãi suất trong 2 năm, lợi nhuận 10 -15%/năm)… nên thu hút đông đảo khách hàng. Thời điểm hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư đều nhận thấy họ không cho thuê được hoặc ủy thác kinh doanh lợi nhuận thấp. Thậm chí, giá condotel không tăng như kỳ vọng, không thể lướt sóng do pháp lý yếu. Điều đáng bàn, để sở hữu được condotel họ phải chấp nhận vay ngân hàng, nay giá thu về từ căn hộ không bù nổi lãi ngân hàng nên buộc phải cắt lỗ trả nợ. Nhiều người có cùng một hành động nên tạo thành làn sóng.

Đối ngược với cảnh báo từ giới chuyên gia, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, DN lại lên kế hoạch “giải cứu” condotel. Đáng chú ý, ngày 20/4, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phát đi đề xuất đáng chú ý. Theo Bộ này, việc sử dụng đất đai, mua bán - chuyển nhượng condotel, căn hộ văn phòng - officetel, biệt thự du lịch - villa gặp khó khăn do tính pháp lý, quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) cho loại hình BĐS mới này chưa rõ ràng.

“Từ thực tế trên, cần giải pháp khắc phục khó khăn vướng mắc đối với Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng cần sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh BĐS liên quan đến nội dung mua bán - chuyển nhượng các loại hình mới như condotel, officetel, shophouse, Villa. Đề nghị rà soát, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng cho phép loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Phản biện về đề xuất này, ông Nguyên Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh khẳng định, không thể vẽ sổ đỏ cho… nhà chạy. Như thế sẽ băm nát hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện hữu. Đất sử dụng cho du lịch chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ du lịch, không được biến tướng thành khu nhà ở của các hộ gia đình để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng khu vực.

Đồng quan điểm, theo giới chuyên gia xây dựng - quy hoạch, trường hợp sổ đỏ được cấp cho căn hộ nghỉ dưỡng du lịch là hiện tượng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bởi, mâu thuẫn nội tại của chính khái niệm “đất ở” nhưng lại “không hình thành đơn vị ở” là không thể có nhân khẩu ở. "Nếu không ở ổn định được thì chỉ là đất cho mục đích sản xuất kinh doanh du lịch hay mục đích nào đó" - một chuyên gia nhận định.