Vỡ trận đấu bản quyền Ngoại hạng Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ vỡ trận đấu bản quyền truyền hình đã thành hiện thực sau khi K+ tuyên bố đi riêng.

Một loạt đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình khác cũng té nước theo mưa đòi giã từ đội ngũ của Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Thêm một lần nữa, thị trường Việt Nam thành mảnh đất màu mỡ cho công ty nước ngoài hái quả ngọt.
Vỡ trận đấu bản quyền Ngoại hạng Anh - Ảnh 1
K+ kiên quyết rời bỏ liên minh của Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Dù có công văn đi, công văn lại thì nhà đài này vẫn quyết định tự chủ trong vấn đề bản quyền truyền hình. Họ cho rằng, hãy để thị trường tự quyết định vấn đề bản quyền truyền hình. K+ phất cờ, đi trước một bước trong vấn đề bản quyền. Đương nhiên, những đơn vị khác vốn cũng đang chiếm lĩnh thị trường cũng phải lao theo, bởi họ không thể mất miếng bánh ngon. Thậm chí, những đơn vị có số lượng thuê bao lớn như SCTV, VTV Cab sẽ bị giảm thuê bao nếu không có bản quyền giải Ngoại hạng Anh. Và hệ quả là mới đây, VTV Cab đã yêu cầu Hiệp hội Truyền hình trả tiền phải sớm có được sự thống nhất về bản quyền Ngoại hạng Anh, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các đơn vị thành viên.

Có thông tin là một số đài truyền hình đã tiến hành đàm phán riêng với MP&Silva - đơn vị đang nắm giữ bản quyền. Điều này là có cơ sở khi MP&Silva từ chối đàm phán về bản quyền với Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Họ muốn làm việc riêng với từng đơn vị. Thậm chí, đã có thông tin, bản quyền Ngoại hạng đã được bán tại Việt Nam với số tiền lên đến 2.000 tỷ đồng.

Có thể nói, MP&Silva đã quá lọc lõi khi hiểu rõ liên minh lỏng lẻo do Hiệp hội Truyền hình trả tiền đứng đầu. Các đài truyền hình với những con tính khác nhau không bao giờ cùng chung một chí hướng. Họ muốn nắm giữ ưu thế trên thị trường nên không có chuyện cùng chung miếng bánh với đối thủ. Việc cạnh tranh về nội dung chứ không phải bản quyền như nhiều người mong ước vẫn là giấc mơ ở thì tương lai chứ không phải hiện tại.

Một lần nữa MP&Silva đã thắng. Họ thu được món lợi kếch xù từ các nhà đài Việt Nam vốn hứng thú với cuộc đua tiền. Chỉ có người hâm mộ là chịu thiệt, bởi các chi phí mua bản quyền sẽ được bổ vào các đầu thuê bao. Nhưng, vấn đề đặt ra là nếu tiếp tục hành xử theo tư duy mạnh ai nấy làm thì đến một ngày nào đó, người tiêu dùng sẽ không thể chịu nổi tốc độ tăng phi mã của bản quyền.