Vơi dần nỗi lo đầu ra cho rác thải

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự nỗ lực của TP và các đơn vị có liên quan, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức đi vào hoạt động. Điều này đã và đang từng bước tháo gỡ những nút thắt về nỗi lo đầu ra cho rác thải trong nhiều năm qua.

Từng bước giải bài toán khó

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, với nguồn vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư nước ngoài thi công và vận hành. Theo thiết kế, khi hoàn thành, nhà máy sẽ tiếp nhận và xử lý được 5.000 tấn rác/ngày, tương đương 60 - 70% lượng rác đang chôn lấp của TP Hà Nội hiện nay.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành
Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Và sau nhiều năm chờ đợi, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 cũng như những sự thay đổi của chính sách và các văn bản của pháp luật, ngày 25/7/2022 vừa qua, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý - Nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam, thứ 2 trên thế giới đã chính thức hòa điện lưới quốc gia. Không chỉ xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày của Hà Nội, nhà máy điện đốt rác phát điện Sóc Sơn đã sản sinh được 15MW điện phục vụ cho công tác sản xuất, hiện thực hóa ước mơ biến rác thành tài nguyên.

Đặc biệt, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Tổng Giám đốc Phát triển thị trường tại Đông Nam Á của Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý - đơn vị vận hành nhà máy cho biết, hiện nay, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý hòa mạng điện lưới quốc gia.

Theo dự kiến, đến giữa tháng 10/2022, Nhà máy sẽ tổ chức vận hành giai đoạn 2 của dự án. “Khi giai đoạn 2 của dự án hoàn thành, nhà máy sẽ tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác/ngày và sản xuất được khoảng 30MW điện” – bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết.


Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, sau hàng chục năm đi vào hoạt động, hai bãi rác lớn nhất Hà Nội là Nam Sơn, Sóc Sơn đã rơi vào tình trạng quá tải, thiếu nơi chôn lấp rác, lưu chứa nước rỉ rác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố môi trường. Do đó, việc Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý hoàn thành đi vào sử dụng có ý nghĩa “sống còn” đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.

Đặc biệt, theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, không chỉ giải quyết được vấn đề đầu ra của rác thải, việc Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đi vào hoạt động đã hiện thực hóa ước mơ biến rác thành tài nguyên, tạo tiền đề thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Công nhân vận hành hệ thống tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành
Công nhân vận hành hệ thống tại Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Bước đệm hướng đến môi trường xanh

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, theo công suất thiết kế, khi vận hành cả 3 giai đoạn nhà máy có khả năng tiếp nhận 5.000 tấn rác/ngày, khả năng xử lý khoảng 4.000 tấn rác/ngày, tương đương khoảng 50 – 60% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn TP. Trong khi đó, hiện nay, bình quân mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác.

Như vậy, đồng nghĩa với việc vẫn còn một lượng lớn rác thải phát sinh hàng ngày vẫn phải tiến hành chôn lấp lạc hậu, thậm chí là trôi nổi, không được xử lý theo đúng quy định. Do đó, Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ Nhà máy xử lý rác thải Sepharin tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, hay dự án Nhà máy xử lý rác thải phát điện Núi Thoong (huyện Chương Mỹ)… để công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả bền vững.

Dưới góc độ đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh cho biết, hiện nay, phần lớn lượng rác thải của Thủ đô đang được chôn lấp thủ công tại 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn. Sự phụ thuộc quá nhiều vào 2 bãi rác là Xuân Sơn và Nam Sơn đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị thu gom, duy trì VSMT cũng như đời sống của người dân dọc tuyến đường mà các xe vận chuyển rác đi qua.

Lý giải về việc này, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh cho biết, theo nguyên tắc tính giá, tỷ lệ phần trăm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các hạng mục như thu gom, vận chuyển rác, quét đường bằng xe cơ giới, tưới nước rửa đường sẽ chiếm từ 14 - 38% trong đơn giá. Trong khi đó, hiện nay có những đơn vị phải di chuyển cả trăm cây số, di chuyển qua trung tâm TP để đưa rác về các bãi rác… rất bất tiện, tốn kém, gây mất VSMT, an toàn giao thông.

Từ thực tế trên, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh, việc sớm đưa vào vận hành các nhà máy điện rác là nhiệm vụ tất yếu mà Hà Nội cần phải thực hiện, bởi công nghệ tiên tiến của các nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong giảm thiểu tác hại của rác thải đối với môi trường, tạo ra nguồn năng lượng tuần hoàn. Bên cạnh đó, TP cũng có thể nghiên cứu, phê duyệt bổ sung khối lượng xử lý cho mỗi nhà máy nhằm tận dụng tối đa năng lực vận hành từng tổ máy, cũng như tránh phát sinh thêm các dự án tiêu tốn nguồn lực.