Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn FDI năm 2022 của Đà Nẵng chưa bằng một nửa cùng kỳ

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 30/11/2022, Đà Nẵng có 43 dự án FDI (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,397 triệu USD. Mặc dù số dự án FDI cấp mới cao hơn năm 2021 nhưng tổng vốn cấp mới lại chưa bằng 50% cùng kỳ.

Đâu là nguyên nhân?

Tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra ngày 15/12, nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 đạt thấp.

Đại biểu Lê Hồng Cương cho biết, trong năm 2022, mặc dù số dự án cấp mới cao hơn năm 2021 là 34 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới chỉ đạt hơn 69,3 triệu USD, chưa bằng 50% so cùng kỳ. “Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân dẫn đến sụt giảm thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2022 và giải pháp trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao” – đại biểu Lê Hồng Cương chất vấn.

Cũng nêu thực trạng thu hút vốn FDI thấp và liên tục sụt giảm, đại biểu Nguyễn Thanh Phúc đặt câu hỏi: “Giải pháp đột phá nào trong năm 2023 và những năm tiếp theo để Đà Nẵng vươn lên cùng các địa phương?”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm. Ảnh: HĐND TP Đà Nẵng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm. Ảnh: HĐND TP Đà Nẵng

Trả lời chất vấn các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết: Tính đến ngày 30/11/2022, TP đã thu hút 133,462 triệu USD vốn đầu tư FDI. Số dự án cấp mới là 43 với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,397 triệu USD; riêng trong khu công nghiệp là 3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 65,043 triệu USD.

Vì sao thu hút vốn FDI thấp, bà Tâm cho rằng có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chính thực tại của TP. Theo đó, nguyên nhân khách quan là các biện pháp đóng cửa và chính sách kiểm soát dịch Covid-19 hơn 2 năm qua đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

“Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang dè dặt khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu gây tác động đến môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng nhằm khuyến khích, thúc đẩy đưa sản xuất và dòng vốn FDI trở về nước” – bà Tâm nói.

Trong khi đó, nguyên nhân chính thực tại của Đà Nẵng là hầu hết đầu tư FDI hiện nay tập trung vào khu công nghiệp, tuy nhiên diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp đã được lấp đầy trên 85%.

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Đà Nẵng chưa hoàn thiện đầy đủ để thu hút đầu tư. Thêm vào đó, khi thu hút đầu tư vào những khu này phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường, công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, nên đòi hỏi cơ quan thẩm định phải cân nhắc, thẩm định kỹ trước khi cấp phép.

Cũng theo bà Tâm, đối với các dự án ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin thiếu quỹ đất sạch có quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Các dự án FDI cấp phép hiện nay ngoài khu đều với quy mô nhỏ và chỉ thuê địa điểm để thực hiện dự án.

Một trở ngại khác là các dự án đề xuất đầu tư có liên quan đến đất đất đai cần phải thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đấu giá quyền sử dụng đất/đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các thủ tục thường kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến công tác kêu gọi đầu tư.

“Các Nhà đầu tư nước ngoài chuyển qua xu hướng tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẵn có tại Việt Nam để thực hiện đầu tư qua hình thức mua cổ phần, phần vốn góp sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục và hiệu quả đầu tư có tính khả thi hơn. Do đó, dù tổng vốn đầu tư cấp mới dự án giảm nhưng việc góp vốn, mua phần vốn góp rất sôi động, riêng năm 2022 có 51 lượt với tổng giá trị 58,340 triệu USD, tăng 509,3% so với cùng kỳ năm 2021” – bà Tâm cho hay.

Làm gì để khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư?

Năm 2023, TP Đà Nẵng tiếp tục xác định thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao/công nghệ thông tin.

Để đạt được kết quả cao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Trần Thị Thanh Tâm nêu ra nhiều giải pháp. Cụ thể, Đà Nẵng cần phải tập trung hoàn thành và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng và sớm hoàn thành quy hoạch 1/500.

Đà Nẵng cần tháo gỡ những rào cản, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới. Ảnh: Quang Hải
Đà Nẵng cần tháo gỡ những rào cản, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới. Ảnh: Quang Hải

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để làm tiền đề thu hút đầu tư trong thời gian tới; ưu tiên đầu tư khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, cụm công nghiệp như giao thông, điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông; kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho công nhân.

Ngoài ra, TP cần sớm hoàn thành dự án Khu công viên phần mềm số 2 đưa vào vận hành, khai thác để thu hút một số đối tác lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.  

Bên cạnh đó, TP cần hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xúc tiến các dự án vào Khu Công nghệ thông tin tập trung; tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư với các dự án đã cam kết nghiên cứu thực hiện tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022.

Song song là tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ như: Tạo thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục cho các nhà đầu tư đang hoạt động tại TP tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc triển khai dự án.

“Tiếp tục phối hợp với những cơ quan Trung ương kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai, đầu tư để khơi thông nguồn lực; đa dạng hóa phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư. Xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã cấp phép để tái khởi động các dự án. Chú trọng xây dựng hạ tầng mềm như dịch vụ tài chính, trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, dạy nghề, đào tạo nghề, trung tâm nghiên cứu, các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu cao của các tập đoàn FDI lớn, tạo tiện ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư” – bà Trần Thị Thanh Tâm nêu thêm giải pháp.