“Đại bàng” tăng tốc
Tập đoàn Foxconn - nhà sản xuất thiết bị gốc cho nhiều hãng công nghệ lớn trên toàn cầu, trong đó có Apple, đã chính thức sản xuất sản phẩm giải trí thông minh - máy trò chơi Nintendo Switch, cũng như các bộ phận cảm biến dữ liệu không khí, bộ phận điều khiển của thiết bị không người lái tại Việt Nam.
Dự án này được tỉnh Quảng Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn hồi đầu tháng 7/2024, với vốn đăng ký 263,7 triệu USD, cùng với một dự án khác cũng của Foxconn, với vốn đầu tư 287,2 triệu USD. Đến nay, các nhà máy của Foxconn đã có mặt tại 5 tỉnh ở Việt Nam với khoản đầu tư 4 tỷ USD, sử dụng 80.000 lao động.
Tương tự, với Nokia, danh mục các sản phẩm 5G của “ông lớn” này, bao gồm các sản phẩm AirScale, trong đó có thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale, bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ tháng 7/2024, sau đó sẽ tăng sản lượng từ tháng 9/2024.
Trong khi đó, lần lượt nhiều linh phụ kiện của Apple, bao gồm cả AirPod, kế hoạch là Macbook, iPad đã và đang bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao, Pegatron, Winston, Goertek, Luxshare… đầu tư các dự án quy mô lớn, đặt những viên gạch đầu tiên cho làn sóng đầu tư thứ 4 vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Gần đây, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic…), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
“Chúng tôi sẽ phát triển nhà máy trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu trong thời gian tới, và tạo thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam” - Phó Chủ tịch Tập đoàn Amkor Susan Y.Kim chia sẻ.
Amkor không phải là nhà sản xuất bán dẫn duy nhất có mặt tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Sau Intel, lần lượt HanaMircon, rồi Marvell, Synopsys… đã và đang tiếp tục đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Samsung cũng bắt đầu sản xuất lưới bóng chíp tại nhà máy ở Thái Nguyên.
Dự báo FDI 2024 đạt 35 - 37 tỷ USD
Vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp tục “chảy” vào Việt Nam. Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam có thị trường 100 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào với 57 - 59% người trong độ tuổi lao động và đang được bổ sung với trình độ rất tốt. Thay vì trước đây thu hút đầu tư lao động giá rẻ, giờ đây Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư chất lượng cao hơn nhờ chất lượng lao động được nâng lên.
GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài
Đặc biệt, vốn đầu tư mới và điều chỉnh tăng cả về số lượng dự án mới/điều chỉnh vốn; vốn đầu tư mới/tăng thêm cũng như quy mô vốn đầu tư. Không chỉ tăng mạnh vốn FDI, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài cũng tăng hơn 8% so cùng kỳ, ước đạt khoảng 14,15 tỷ USD trong 8 tháng, cao nhất trong 5 năm qua.
Bộ KH&ĐT cho rằng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là tích cực. Không chỉ là gia tăng về số lượng, theo Bộ KH&ĐT, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã “có sự cải thiện đáng kể về chất lượng các dự án đầu tư”.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, theo đánh giá hiện tại của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ 3 yếu tố cốt lõi. Đó là vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay; kinh tế vĩ mô ổn định.
Chuyên gia kinh tế, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN nước ngoài nhận định: ngoài kinh tế 8 tháng tăng trưởng khả quan, ổn định chính trị, chính sách đón đầu, cải thiện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. Chiến lược thu hút FDI vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của chúng ta đang có những bước đi đúng.
“Riêng ngành bán dẫn, sau thời gian ngắn đã ghi nhận hợp tác Mỹ hỗ trợ đào tạo 50.000 kỹ sư, 500.000 lao động cho ngành bán dẫn từ nay đến năm 2030. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như VinGroup, FPT hay Viettel… đều đang tích cực nghiên cứu đào tạo ngành bán dẫn. Các yếu tố này đang hỗ trợ mạnh mẽ và chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ thú vị trong thu hút FDI trong thời gian tới" - ông Nguyễn Mại phân tích.
Nhiều lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn lớn liên tục đến Việt Nam, tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo… Với đà phục hồi FDI khá tốt hiện nay, trong năm 2024, các chuyên gia dự đoán vốn FDI đăng ký mới và mở rộng đầu tư có thể đạt 35 - 37 tỷ USD, vốn thực hiện có thể đạt 23 - 25 tỷ USD.
Vẫn cần có thêm nhiều cải cách
Theo Bộ KH&ĐT, sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư nước ngoài những tháng cuối năm 2024. “Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023” - đại diện Bộ KH&ĐT nhận định.
Tiềm năng và cơ hội là rất lớn. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, để tiếp tục thu hút đầu tư, Việt Nam đang tích cực tập trung vào một số điểm. Trong đó, đáng chú ý là phải khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn.
Cùng với đó, rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…
EuroCham Việt Nam cho biết, có 5 điểm quan trọng mà Việt Nam cần tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó là hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi, như đường, cảng, cầu...; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; đồng thời bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Dominik Meichle khẳng định, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, chắc chắn, dòng vốn ngoại đổ vào, nền kinh tế Việt Nam sẽ được “tăng lực” để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Các nhà đầu tư quốc tế cũng nhiều lần khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng cốt lõi như đường, cảng, cầu... để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, việc “xanh hóa” các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng được cho là cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là xu thế của thế giới. Hầu như tất cả các khu công nghiệp xanh có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80 - 90% và hầu hết khách thuê là nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn.
Theo dữ liệu từ Bộ KH&ĐT, đến năm 2030, khoảng 40 - 50% các tỉnh, thành trong cả nước sẽ có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái; 8 - 10% các tỉnh, thành sẽ có định hướng xây dựng các khu công nghiệp sinh thái mới.
Với vị trí chiến lược tại khu vực châu Á, cùng với nhu cầu nội địa lớn, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm sản xuất và logistics quan trọng trong khu vực. Tuy vậy, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, và phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.
Ông Trần Anh Đức - Đồng trưởng nhóm đầu tư và thương mại
Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF)