Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn ngoại ào ào đổ vào Fintech

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tiềm năng lớn, startup Fintech Việt (lĩnh vực kinh doanh tài chính trên nền tảng công nghệ) trong thời gian gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài với lượng vốn lớn.

Các tập đoàn nước ngoài đổ hàng trăm triệu USD rót vốn trực tiếp hoặc qua các Quỹ để khai thác lĩnh vực thanh toán di động.
Hàng loạt thương vụ lớn nhỏ

Trang điện tử mua sắm hàng hiệu giá rẻ Leflair Vietnam (leflair.vn) hôm 11/1 công bố thành công trong vòng gọi vốn thứ 3 có trị giá 3 triệu USD từ Capital Management Group, nâng tổng số vốn hiện tại lên gần 5 triệu USD. Lần gọi vốn này lớn gấp 3 lần so với thời điểm tháng 12/2016 và chỉ từ một nhà đầu tư Capital Management Group. Leflair Vietnam là trang điện tử mua sắm hàng hiệu với giá rẻ, có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh. Sau 2 năm hoạt động, trang web của công ty có hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cung cấp 200.000 đơn hàng trên khắp cả nước.
 Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến đối với khách hàng. Ảnh: Phạm Hùng
Cho đến nay, Leflair Vietnam đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài bao gồm Rajan Anandan - Phó Chủ tịch Đông Nam Á và Ấn Độ của Google, Charles Edouard Bouee - CEO của công ty tư vấn của Đức Roland Berger cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm từ Mỹ, Italia, Hồng Kông và Hàn Quốc. Riêng về Capital Management Group là quỹ đầu tư có trụ sở ở Mahé, Seychelles đang đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản, đầu tư mạo hiểm và góp vốn tư nhân.

Một thương vụ lớn mới hoàn tất cách đây không lâu là tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc đã chi ra 542 tỷ đồng để mua lại 65% cổ phần của Công ty CP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) từ VMG Media và một số cổ đông cá nhân. Mức này tương ứng với việc định giá VNPT Epay ở mức 834 tỷ đồng, tương đương 36,7 triệu USD. Được biết, VNPT Epay đang nắm giữ 45,18% cổ phần của Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY).

Hàng loạt thương vụ lớn nhỏ khác đã được thực hiện trong thời gian qua như MOL Accessportal mua 50% cổ phần Ngân lượng, NTT Data mua 64% cổ phần Payoo, True Money mua 40% cổ phần của 1Pay, nhóm nhà đầu tư Credit Saison, Golden Gate Ventures và GMO Global Payment Fund mua 25% cổ phần của Bảo Kim… Các thương vụ này đều có giá trị lên đến hàng chục triệu USD.

Tiềm năng thị trường lớn

Trước kia, thị trường chú ý với dòng vốn từ nước ngoài đổ vào các công ty tài chính tiêu dùng Việt thì hiện nay là các Fintech ngày càng nhiều hơn. Hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt, không riêng ngân hàng truyền thống, công ty tài chính, các Fintech cũng phát triển mạnh trong cuộc đua giành thị phần thanh toán điện tử. Số lượng các đơn vị được cấp phép trở thành trung gian thanh toán đã tăng gấp 3 lần trong năm 2017.

Tiềm năng thị trường Fintech ở Việt Nam hiện nay đến từ quy mô thị trường mua sắm hàng hóa hơn 93 triệu người, hơn 50 triệu thuê bao Internet, cùng 35 triệu điện thoại thông minh. Rõ ràng, cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam là rất lớn trong việc mang đến những giải pháp công nghệ tài chính mới, nhanh chóng và đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.Thực tế cho thấy, bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020. Ngoài ra, để phát triển một xã hội không tiền mặt thì các công ty Fintech sẽ đóng vai trò then chốt.

Sự tiến quân rầm rộ của các start-up cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính lớn trên thế giới vào lĩnh vực Fintech ở Việt Nam đang khiến các ngân hàng cảm thấy có mối đe dọa. “Fintech nên được nhìn nhận tích cực hơn ở việc kết nối, đưa các dịch vụ của ngân hàng đến tay người dùng cuối” - Chuyên gia Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét.q
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện ở Việt Nam có khoảng 70 công ty Fintech đang hoạt động trên các mảng dịch vụ của lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản pháp lý để cấp phép cho 25 tổ chức Fintech cho lĩnh vực thanh toán.