Vốn thực hiện của doanh nghiệp FDI là 11 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 30/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2011 và dự kiến năm 2012.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, tính đến ngày 15/12 này, cả nước có 13.667 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%.

Trong số những đối tác đầu tư lớn, Singapore tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đăng ký chiếm 24 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương thu hút FDI lớn nhất với 32,67 tỷ USD còn hiệu lực, tiếp theo đó là Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tính đến 15/12, vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so năm 2010; trong đó riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 USD, bằng 65% năm 2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn này đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Theo đó, vốn đăng ký năm 2011 tập trung 76,4% vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này trong năm ngoái là 54,1%.

Vốn thực hiện của khu vực FDI năm 2011 ước đạt 11 tỷ USD, bằng mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Ông Phương cho rằng, giải ngân dự án FDI đạt được những kết quả trên là do chúng ta đã chú trọng việc thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, phân loại dự án và tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư. Đồng thời kiên quyết xử lý các dự án chiếm dụng đất lớn, dự án chậm triển khai, tiến hành thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Lý giải cho sự sụt giảm vốn đăng ký năm nay, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, một phần do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chú trọng hơn đến chất lượng đầu tư.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ, xuất khẩu của khu vực FDI (bao gồm dầu thô) ước đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,3% so năm 2010, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 47,2 tỷ USD, góp phần làm giảm gánh nặng cho cán cân thương mại. Trong khi đó, nhập khẩu khu vực này đạt 47,8 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm 2010.

Thu nội địa từ khu vực FDI năm 2011 khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 15% so năm 2010 là 3,04 tỷ USD. Thu từ dầu thô vượt dự toán năm gần 44% và ước đạt 4,8 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực FDI trong năm nay đã góp phần đáng kể tăng thu ngân sách, do đó làm giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Dẫn đánh giá của các tổ chức quốc tế, Thứ trưởng Phương cho biết, Việt Nam vẫn được xếp là địa chỉ hấp dẫn đối và các nhà đầu tư thế giới.

Cụ thể, Việt Nam đã tăng 3 bậc, đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn đầu tư theo kết quả điều tra triển vọng đầu tư thế giới 2010-2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc.

Còn theo kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh doanh Nikkei, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan.

“Trong năm 2012 và thời gian tới, quản lý FDI sẽ chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về FDI,” Thứ trưởng Phương cho biết.

Đề cập đến chủ trương thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Phương cho biết, sẽ thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường, lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng; công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực./.

Valid: True