Kinhtedothi - Là chi nhánh mới thành lập, sau hơn một năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Nam Từ Liêm đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho người lao động… Đặc biệt, sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực với người dân trong quá trình đô thị hóa.
Một năm, dư nợ tăng 2 lần
Ngày 1/6/2014, sau 2 tháng tách huyện Từ Liêm thành 2 quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, NHCSXH Chi nhánh Nam Từ Liêm chính thức thành lập. Từ nguồn dư nợ 47,5 tỷ đồng nhận bàn giao thời điểm đó, đến nay, dư nợ của Chi nhánh đã tăng gấp đôi. Đến cuối tháng 7/2015, dư nợ của 6 chương trình tín dụng đã đạt con số 78,5 tỷ đồng, trong đó, dư nợ hộ cận nghèo và dư nợ giải quyết việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất. Hơn một năm qua, nguồn vốn ưu đãi cho vay qua NHCSXH Nam Từ Liêm là kênh dẫn vốn hiệu quả đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, những hộ khó tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại do thiếu tài sản thế chấp và không đảm bảo khả năng trả nợ.
Đến cuối tháng 7/2015, gần 4.000 hộ gia đình trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đang có dư nợ tại NHCSXH. Nguồn vốn chính sách đã giúp các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển bền vững. Đơn cử như, gia đình ông Nguyễn Như Phượng (Tổ dân phố số 1 - Ngọc Trục - Đại Mỗ) đang vay NHCSXH 20 triệu đồng. Nguồn vốn này không những giúp ông mở rộng và phát triển vườn đào của gia đình mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại địa phương.
Là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như làng bún Phú Đô, cốm Mễ Trì…, nguồn vốn NHCSXH Nam Từ Liêm cũng tiếp sức cho làng nghề truyền thống có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ như sản xuất cơ khí… có cơ hội vươn lên.
Vốn ủy thác từ ngân sách quận đứng top đầu
Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, Quận ủy Nam Từ Liêm vừa ban hành Chỉ thị số 23- CT/QU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một nhiệm vụ quan trọng; tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Thực tế, thời gian qua, mối quan hệ giữa NHCSXH và Quận ủy, HĐND, UBND quận cũng như các tổ chức đoàn thể trên địa bàn ngày càng chặt chẽ. Các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… đang là những “cánh tay nối dài” giúp nguồn vốn NHCSXH trên địa bàn phát huy hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, các hội đoàn thể trên địa bàn quận đã thành lập được 110 tổ tiết kiệm và vay vốn với số tiền ủy thác gần 70 tỷ đồng, chiếm 88,4% tổng dư nợ. Thông qua các hội đoàn thể, NHCSXH Nam Từ Liêm đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ tiết kiệm vay vốn, cùng tổ trưởng tổ dân phố giám sát việc bình xét những hộ có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, trình UBND phường xác nhận để vay vốn.
Đặc biệt, quận Nam Từ Liêm cũng tập trung nguồn lực, chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Từ con số 0 đồng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách quận năm 2014 (thời điểm chia tách quận, nguồn ủy thác ngân sách địa phương chuyển 100% về NHCSXH Bắc Từ Liêm), mới đây, HĐND quận đã thông qua việc chuyển 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sang NHCSXH quận để cho vay giải quyết việc làm. Nam Từ Liêm là một trong những địa phương đứng đầu TP Hà Nội về nguồn vốn ủy thác từ ngân sách quận sang NHCSXH.
Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Như Phượng phát triển diện tích trồng đào, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Hà Lâm
|