Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn tín dụng chính sách, “bà đỡ” mát tay của người nghèo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ nguồn vốn ưu đãi Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đã tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Cùng đoàn công tác của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Thạch Thất đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Quang, một trong những hộ nghèo được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách ở thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây rộng rãi, khang trang, anh Quang xúc động: “Để gia đình có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của nguồn vốn tin dụng chính sách”.

Anh Quang cho biết, gia đình anh là hộ nghèo lâu năm của địa phương. Trước đây, nhờ được vay vốn cho hộ nghèo, bố mẹ anh đã có nguồn vốn đầu tư nuôi trâu. Từ 2 con trâu giống, sau vài năm, đàn trâu đã phát triển lên hơn chục con, gia đình trả được cả vốn lẫn lãi của ngân hàng và dư ra một khoản lãi. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo và tiếp tục được vay vốn giải quyết việc làm để trồng rừng, làm trang trại lâm nghiệp. Hiện gia đình anh đang sở hữu khu vườn rừng trồng keo rộng gần 3ha, chăm sóc tốt, sắp tới kỳ thu hoạch, hứa hẹn nguồn thu không nhỏ…

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH Thạch Thất kiểm tra hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH Thạch Thất kiểm tra hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch, xã có 80% số hộ là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH cùng sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng giao thông, từ xã nghèo, khó khăn bậc nhất Thủ đô, nay nhiều hộ dân ở Yên Trung có cuộc sống sung túc. Người dân phát triển đa dạng mô hình kinh tế hộ từ chăn nuôi, trồng rừng, làm dịch vụ...

Cũng may mắn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Nhít, thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc. Chị Nhít cho biết, ở địa phương có nghề trồng hoa rất phát triển, nhưng vì không có vốn nên gia đình như bị bó chân, bó tay, không thể xoay sở làm được gì. Nhưng may mắn năm 2017, chị được vay 50 triệu tiền vốn hộ nghèo từ NHCS để làm vốn phát triển sản xuất. Đến nay, 3 sào hoa cúc của gia đình cho thu đều đặn 2 lứa/năm, với doanh thu 300 triệu đồng, gia đình chị cũng đã thoát nghèo thành công.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Phong đánh giá, nguồn vốn tín dụng chính sách phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đây chính là “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.

“Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo có hiệu quả, hàng năm Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời phối hợp với các Hội đoàn thể ủy thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn”.

Chị Nguyễn Thị Nhít, xã Đại Thịnh, Mê Linh phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách.
Chị Nguyễn Thị Nhít, xã Đại Thịnh, Mê Linh phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách.

Nâng chất lượng, tăng nguồn vốn

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, tính đến 30/9/2023, dư nợ các chương trình chính sách xã hội đang triển khai trên địa bàn Hà Nội đạt trên 13.600 tỷ đồng, cho trên 262.000 khách hàng vay vốn, trong đó có nhiều nhóm hộ nghèo vay vốn. Thủ tục vay đơn giản, gọn nhẹ. Đặc biệt, trong năm 2023, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Thành phố còn đuọc hỗ trợ cho vay với lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 của Chinh phủ. Các chính sách này đã giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội giải ngân qua NHCSXH Thành phố đã góp phần cùng Thành phố hoàn thành tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Nếu như tại thời điểm đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố là 0,095% thì đến nay Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo và có 3 quận không còn hộ cận nghèo – Giám đốc NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết thông tin.

Bên cạnh việc triển khai cho vay trực tiếp các hộ nghèo, cận nghèo, Thành phố cũng chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH cho vay ủy thác tạo việc làm. Tổng nguồn vốn hiện nay TP và các quận, huyện chuyển sang là trên 7.200 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, Chi nhánh ưu tiên tập trung cho vay ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế trong xã hội, hộ gia đình không nằm trong ngưỡng nghèo...  đây là giải pháp chống tái nghèo bền vững. Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo còn được tiếp cận vay vốn Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn học sinh sinh viên với lãi suất ưu đã. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua Thành phố đã chuyển ủy thác cho hộ nghèo vay xây nhà, sửa nhà dột nát, giúp người nghèo có mái ấm an cư lạc nghiệp. Các chương trình đang triển khai là công cụ hữu hiệu giúp hỗ trợ hộ nghèo, giúp mục tiêu giảm nghèo bền vững của Thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Mức cho vay của NHCSXH còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập của người dân. Cùng với đó,  nguồn vốn huy động vẫn thiếu tính ổn định.

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Giám đốc NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, song song với giải ngân vốn, cán bộ NHCSXH Thành phố đã giám sát chặt chẽ, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng. Qua kiểm tra hàng năm, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hàng năm cao. Chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo của NHCSXH đã thật sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố.