Vòng lao lý của “trùm tín dụng đen”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 10/2015, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Thị Dậu (52 tuổi), trú tại số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Hà Cầu, quận Hà Đông về hành vi kinh doanh “tín dụng đen”.

Do lời khai của bị cáo Dậu và một số bị hại cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan không thể làm rõ được tại phiên xử nên Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Điều này khiến các bị hại chưa thật sự hài lòng khi mòn mỏi 4 năm qua, mọi cố gắng nhằm đòi lại phần nào số tiền trong tổng số hơn 145 tỷ đồng mà Dậu đã vay ngày càng xa vời.

Ham lãi cao, mất cả tiền gốc

Từ năm 2007, Dậu bắt đầu vay tiền của nhiều người với các thủ đoạn khác nhau. Thủ tục vay tiền đơn giản chỉ là những biên nhận viết tay, thỏa thuận lãi suất và không hề có xác nhận nào của các cơ quan có thẩm quyền. Để chiếm được lòng tin của các nạn nhân, Dậu đã tạo một vỏ bọc khá hoàn hảo về sự giàu sang - đang kinh doanh vàng, bất động sản với những dự án lớn vài trăm tỷ đồng… Thực tế, Dậu chỉ tìm mọi cách vay tiền nhằm một mặt hòng cho người khác vay lại với mức lãi suất cao hơn, mặt khác xoay vòng theo chính sách vay người sau để trả lãi cho người trước và tiếp tục mua sắm tài sản cá nhân để “đánh bóng” hình ảnh giàu sang.
Bị cáo Nguyễn Thị Dậu tại phiên xét xử.
Bị cáo Nguyễn Thị Dậu tại phiên xét xử.
Đáng chú ý, khoảng tháng 6/2010, Dậu mua ngôi nhà số 5 Nguyễn Thái Học (Hà Đông) với số tiền 5 tỷ đồng. Dậu đã dùng lời đường mật biến chủ cũ ngôi nhà thành nạn nhân khi đặt lại vấn đề vay lại toàn bộ số tiền này với lãi suất 3%/tháng. Không dừng lại đó, bằng nhiều lý do khác nhau như đáo hạn ngân hàng, mua nhà…, Dậu đã tiếp tục vay 4 lần nữa, nâng tổng số tiền lên đến gần 22 tỷ đồng. Đối với người làm đồ gỗ cho ngôi nhà ở phố Nguyễn Thái Học, Dậu cũng không tha: Vung tay mua đồ gỗ với số tiền 1,3 tỷ đồng, rồi dùng chiêu bài đang cần tiền thôn tính một ngôi nhà khác ở gần đó, đề nghị trả lãi số tiền mua đồ gỗ để rồi giờ đây, người chủ gỗ mất trắng… Cuối tháng 9/2011, khi không còn khả năng chi trả, Dậu tuyên bố vỡ nợ. Các chủ nợ rồng rắn kéo đến nhà Dậu đòi nợ thì nhận được lời tuyên bố phi lý: Muốn nhận lại tiền thì mỗi 1 tỷ đồng cho vay được nhận lại... 80 triệu đồng, xong hai bên phải làm giấy xóa nợ! Tất nhiên, chẳng ai chấp nhận đề nghị này. Không biết làm cách nào khác hơn, các chủ nợ chỉ còn biện pháp túc trực 24/24 giờ, không để Dậu ra khỏi nhà, đồng thời trình báo cơ quan chức năng. Trong nhiều ngày, vợ chồng Dậu cố thủ trong nhà, hàng ngày nhờ người mua đồ ăn thức uống rồi đưa vào qua cửa xếp…

Cùng thời gian này, trên cơ sở đánh giá tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm, ý thức chiếm đoạt tài sản của Dậu và số tiền Dậu nhận đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân, Công an quận Hà Đông nhận định: Hành vi của Dậu có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần được khởi tố điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thống nhất ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dậu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiến hành điều tra làm rõ. Hồ sơ vụ án và các quyết định nêu trên được chuyển đến VKSND quận Hà Đông để phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý hồ sơ, VKSND quận Hà Đông cho rằng, việc vay nợ của Dậu là quan hệ vay mượn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dân sự. Vì vậy, việc Công an quận Hà Đông quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Dậu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa có đầy đủ căn cứ. Đồng thời, VKSND quận Hà Đông cũng liên tục có các văn bản yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung tài liệu để phê chuẩn, như: Việc vay nợ giữa Dậu và người cho vay có ngay thẳng và hợp pháp không? Dậu có dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận và chiếm đoạt tài sản của người cho vay hay không? Số tiền vay hàng tháng của Dậu là bao nhiêu, sử dụng vào mục đích gì, còn lại bao nhiêu… Vì thế, VKSND quận Hà Đông không phê chuẩn những quyết định trên.

Đầu tháng 11/2009, sau khi biết tin Dậu đã trốn khỏi nơi cư trú, việc khám xét khẩn cấp nơi ở của Dậu được thực hiện. Khám xét cho thấy, trong nhà hầu như không còn tài sản gì có giá ngoài chiếc xe máy LX 125, một két sắt đã bị cạy phá… Một thời gian sau, biết không thể lẩn trốn an toàn, Dậu đã đến cơ quan công an đầu thú.

Tạo nhiều biên nhận “rởm”

Tại Cơ quan điều tra, Dậu khai nhận, từ cuối năm 2007 đến tháng 9/2011, Dậu vay của 52 người với tổng số tiền hơn 145 tỷ đồng. Số tiền trên ngoài mua sắm trang thiết bị cá nhân và trả lãi đến hết tháng 8/2011 cho các chủ nợ, Dậu cho anh Nguyễn Đức Thắng, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông vay lại với lãi suất thỏa thuận từ 3% - 15%/tháng. Tính đến tháng 10/2011, tổng cộng anh Thắng còn nợ Dậu hơn 145 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Thắng còn ủy quyền cho Dậu sử dụng 2 thửa đất, một thửa có diện tích 62m2, một thửa có diện tích 154m2 ở quận Hà Đông, mục đích sử dụng vào việc thế chấp vay vốn ngân hàng nên không định giá cụ thể về giá trị của 2 thửa đất này. Tháng 4/2011, người nhà Dậu đã thế chấp 2 mảnh đất này vào ngân hàng để vay 9 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, Dậu thừa nhận đã sử dụng để trả lãi cho những người mà Dậu đã vay tiền và chi tiêu cá nhân hết. Đến khi Dậu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, giữa anh Thắng và Dậu vẫn chưa thỏa thuận về giá trị của 2 mảnh đất này.

Theo lời khai tại Cơ quan điều tra, anh Thắng có quan hệ quen biết với Dậu và ông Hảo (chồng Dậu) trước khi vụ án này xảy ra, và anh Thắng cũng đã từng cho vợ chồng Dậu vay tiền nhiều lần. Sau đó, vì cần tiền đầu tư kinh doanh nên anh Thắng đã vay tiền của Dậu nhiều lần với lãi suất 15%/tháng. Hàng tháng, anh Thắng và Dậu đều đối chiếu công nợ và ký biên nhận thanh toán với nhau. Lần cuối cùng chốt nợ, anh Thắng đã viết 2 giấy nhận nợ với Dậu, tổng số tiền hơn 145 tỷ đồng (trong đó gồm 54,9 tỷ đồng vay và gần 90,6 tỷ đồng lãi). Anh Thắng khai, mục đích của việc viết giấy nhận nợ số tiền trên để Dậu có thể chứng minh rằng, anh Thắng nợ Dậu tương đương số tiền Dậu nợ những người khác. Ngoài ra, Cơ quan điều tra thu giữ một bản photocopy do anh Thắng viết với nội dung xác nhận đã cùng Dậu đưa anh Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La số tiền 195 tỷ đồng (trong đó Dậu nộp 5 tỷ đồng) để đầu tư một dự án khu chung cư và nhà thấp tầng tại địa chỉ xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Anh Thắng trình bày việc viết giấy xác nhận trên là theo yêu cầu của Dậu để Dậu xuất trình với các chủ nợ chứng minh số tiền Dậu vay đã đầu tư cho Thắng. Và thực tế khi Cơ quan điều tra xác minh đã xác định tại địa điểm nêu trên không có dự án nào và cũng không có cơ sở nào để kết luận anh Thắng và Dậu đã đưa cho anh Tuấn số tiền 195 tỷ đồng. Do chưa đủ cơ sở xác định anh Thắng đồng phạm với Dậu trong vụ án này nên cơ quan điều tra đã tách riêng hành vi của anh Thắng để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau...

VKSND TP Hà Nội xác định, hành vi của Dậu đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 140 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cho tội danh này từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Quá trình xét xử vụ án đầu tháng 10 vừa qua, do lời khai của bị cáo Dậu và một số bị hại cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan không đồng nhất về số tiền đã cho vay, nhận vay cũng như các giao dịch liên quan đến tiền vay, nhận nợ mà điều này không thể làm rõ được tại phiên xử, nên Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ về vấn đề này để đảm bảo cho việc xét xử được khách quan, đúng pháp luật.