VPBank và những thương vụ lớn giữa mùa Covid-19

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN đi xuống thì Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại “chốt” xong hàng loạt thương vụ với giá trị giao dịch “khủng”.

Đáng chú ý, các đối tác mới mà ngân hàng này đều là những ông lớn đến từ các thị trường khó tính như Nhật Bản.
Lọt “mắt xanh” nhiều định chế tài chính quốc tế lớn

Cuối tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
  ''Khả năng sinh lời của VPBank sẽ duy trì ổn định trong 12 - 18 tháng tới''- Moody’s nhận định. Ảnh: Phạm Hùng
Thương vụ bán vốn này được Moody’s đánh giá là mang lại sự cải thiện đáng kể trong hồ sơ tín nhiệm của ngân hàng. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo phương pháp luận của Moody’s, tăng từ 11,4% ở thời điểm cuối tháng 9/2021 lên 13,5% tại cuối tháng 10/2021. Đây cũng là nguyên nhân để tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới này đã nâng mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ B1 lên Ba3 với triển vọng tích cực dành cho VPBank.

Xếp hạng BCA của Moody’s phản ánh sức mạnh nội tại độc lập của tổ chức phát hành. Mức xếp hạng tín nhiệm này được đánh giá dựa trên môi trường vĩ mô, hồ sơ tài chính và các yếu tố đánh giá định tính. Bên cạnh việc nâng mức xếp hạng BCA, Moody’s cũng nâng xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn, nâng xếp hạng nhà phát hành cho VPBank lên mức Ba3.

Moody’s tin rằng năng lực vốn của VPBank sẽ tiếp tục ổn định, khi ngân hàng này đã thể hiện rõ kế hoạch sử dụng ngồn vốn thu được từ thương vụ FE Credit để thúc đẩy tăng trưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh mới. Bên cạnh đó, quy mô tài sản sẽ được mở rộng thêm nhờ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Việc được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín như Moody’s nâng hạng tín nhiệm, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu những tác động nặng nề từ sự bùng phát của dịch Covid-19, đã thể hiện niềm tin, sự tín nhiệm của các tổ chức quốc tế vào nền tảng vốn và kế hoạch phát triển của VPBank trong năm nay và thời gian tới. Điều này cũng góp phần củng cố vị thế của VPBank, đồng thời nâng cao hơn nữa khả năng huy động vốn từ các định chế tài chính uy tín.

Cũng trong năm 2021, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, VPBank và SMBC cũng “chốt” được nhiều thỏa thuận ký kết khoản vay hợp vốn cùng sự tham gia của bốn ngân hàng quốc tế là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank với tư cách là các bên đồng cho vay. Toàn bộ gói hỗ trợ tài chính quốc tế này sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho VPBank nhằm tăng cường nội lực, mở rộng kinh doanh và tiếp tục cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn gián đoạn dòng tiền bởi đại dịch Covid-19. Tính riêng 1 tuần cuối tháng 10, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD. Thành công của khoản vay lần này là minh chứng tích cực cho uy tín của VPBank trên trường quốc tế, cũng như thể hiện sự tin tưởng của đối tác (SMBC) dành cho ngân hàng.

Vững vàng vượt đại dịch

Bên cạnh nền tảng vốn được nâng cao, kết quả kinh doanh nổi bật của ngân hàng trong những tháng qua, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tới nền kinh tế. Báo cáo kết quả kinh doanh cuối quý III vừa qua cho thấy, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 11.736 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 10.872 tỷ đồng, tăng 75,2% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của ngân hàng đạt 33.231 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cũng kỳ năm trước. Các chỉ số hiệu quả ROA, ROE hợp nhất tiếp tục nằm trong nhóm đầu thị trường, lần lượt đạt 2,8% và 21,6%.

Lợi nhuận trước thuế được cải thiện thông qua việc chú trọng công tác thu hồi nợ, tối ưu hóa chi phí hoạt động. Bằng cách đẩy mạnh công tác thu hồi nợ thông qua công cụ số hóa, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong 3 quý vừa qua đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 73,8% so cùng kỳ.

Các hoạt động đẩy mạnh nền tảng Ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và DN SME đã mang lại những kết quả đáng kể: Trong 9 tháng 2021, VPBank thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới. Tổng số giao dịch qua nền tảng Ngân hàng số VPBank Neo trong 9 tháng đạt hơn 95 triệu, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Với chiến lược kinh doanh linh hoạt, điều chỉnh tập trung ở hai phân khúc khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ, cuối quý III/2021, VPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt hơn 349.000 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 8,1% so với cuối năm 2020. Nhờ những sự điều chỉnh và hỗ trợ kịp thời, VPBank đã chung sức hỗ trợ giảm lãi suất cho hơn 238.000 khách hàng vượt qua đại dịch, dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để chuẩn bị cho sự phục hồi sau đại dịch.

“Chất lượng tài sản và khả năng sinh lời của VPBank sẽ duy trì ổn định trong 12 - 18 tháng tới” - Moody’s nhận định. Tổ chức này cũng nhấn mạnh sự tin tưởng rằng chất lượng tài sản của VPBank sẽ kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục và tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao.

"Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, sự thành công của khoản vay hợp vốn 200 triệu USD khẳng định niềm tin của các bên cho vay vào khả năng lãnh đạo cũng như năng lực tài chính vững mạnh của VPBank." - Giám đốc Quản lý thị trường vốn vay châu Á, SMBC - ông Jun Palanca


"Thị trường ngân hàng đang trong giai đoạn mà tổ chức nào có khả năng dẫn dắt khách hàng đến với những dịch vụ số hóa mới nhất, tiên tiến nhất trước thì sẽ dành được thị phần nhanh hơn, không những thế, còn có thể giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn bởi công nghệ số hóa có tính hấp dẫn khó cưỡng. VPBank tự hào bởi chúng tôi đã phần nào hiểu và vận dụng được triết lý này vào hoạt động kinh doanh của mình." - Phó Tổng Giám đốc VPBank Phùng Duy Khương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần