VTV tăng cường mức độ giám sát lên 200 - 300%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vai trò của VTV ở đâu trong các chương trình hợp tác với công ty tư nhân sản xuất; thời gian tới, truyền hình có bớt “sạn” là những thông tin được trao đổi giữa Kinh tế & Đô thị và ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký Biên tập, VTV.

VTV tăng cường mức độ giám sát lên 200 - 300% - Ảnh 1Gần đây, nhiều chương trình THTT của VTV luôn bị Bộ TT&TT “tuýt còi”, phần lớn các chương trình này nằm trong kế hoạch hợp tác sản xuất. VTV có kế hoạch gì để chấn chỉnh những vi phạm trên không?

- Nhiều năm nay, VTV xây dựng quy chế để kiểm soát các chương trình truyền hình. Quy chế chỉ rõ chương trình do VTV sản xuất hay do VTV hợp tác với đối tác khác, thì VTV có trách nhiệm kiểm soát toàn bộ nội dung trong quá trình thực hiện chương trình. Đối với các chương trình giải trí, THTT, chúng tôi giao cho Ban biên tập chịu trách nhiệm tham gia từ khâu xây dựng format, sau đó mới thẩm định trước khi đưa ra quyết định đồng ý cho làm hay không. Tiếp đó là giám sát khâu kịch bản, thành phần Ban giám khảo, người chơi, ca sĩ..., kể cả trang phục, bài hát... đều phải có người của VTV giám sát toàn bộ. Sản phẩm hoàn thành sẽ được duyệt trước một lần (duyệt ở cấp Ban), sau đó trước khi lên sóng lại phải qua một hội đồng duyệt cao hơn nữa.

Quy định về các chương trình liên kết sản xuất cũng chỉ rõ không chỉ sản phẩm mà thông tin quảng bá liên quan tới chương trình truyền hình này cũng phải được thông qua VTV. Có thể nói, về quy trình rất chặt chẽ. Sau một số sai sót đã được Bộ TT&TT nhắc nhở, phương tiện truyền thông phản ánh, VTV thành lập thêm hội đồng kiểm duyệt, nghĩa là khâu tăng cường giám sát đã được tăng lên 200 - 300% so với trước kia.

Tăng cường các khâu giám sát như vậy, tại sao các chương trình của VTV vẫn đầy “sạn”, khiến khán giả phản ứng?

- Có thể nói rằng, đôi khi những sai sót đó lại phụ thuộc vào quan điểm thẩm định của người được giao trách nhiệm giám sát. Đôi khi quan điểm của một vài cá nhân cho vấn đề đó là bình thường, nhưng chưa lường hết được những phản ứng của dư luận. Trước mỗi sự việc xảy ra, chúng tôi đều họp lại, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Trong quá trình làm không thể tránh khỏi những sơ suất. Nói là hết hoàn toàn thì chưa hẳn nhưng căn bản những sai sót mang tính chất lớn, nghiêm trọng đã bị xử lý, ngăn chặn. Song tôi có thể khẳng định, VTV không chấp nhận, không cho phép tạo scandal để gây sức hút cho chương trình.

Gần đây, chương trình “Ơn giời cậu đây rồi” cũng thường xuyên phát những hình ảnh thể hiện hành động phản cảm. VTV có kế hoạch gì để chấn chỉnh chương trình này?

- Sau khi dư luận phản ánh, VTV đã tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các khâu thực hiện, phát sóng của chương trình "Ơn giời cậu đây rồi". Ban lãnh đạo Đài cũng đã yêu cầu đơn vị chịu trách nhiệm giám sát nội dung của chương trình rà soát. Chúng tôi thừa nhận có nhiều phân đoạn hình phải điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, những hình ảnh không phù hợp sẽ bị cắt bỏ trước khi lên sóng.

Trong thời gian tới, VTV có dự kiến xây dựng kênh truyền hình dành riêng cho các lứa tuổi, để phân loại chương trình hay không?

- Hiện, chúng tôi chưa đặt ra vấn đề này. Câu chuyện ở đây không phải là giải pháp kỹ thuật mà do nhận thức đánh giá của mọi người. Cần phải cân nhắc nhiều vấn đề về dư luận xã hội. Ở thời điểm này, những chương trình như vậy có thể chưa thật phù hợp với khán giả.

VTV chuẩn bị tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2015. Tại liên hoan này, tính tương tác với khán giả sẽ được đem ra đàm đạo. Nội dung của vấn đề tương tác sẽ được bàn luận như thế nào, có góp phần bớt “sạn” trên truyền hình không, thưa ông?

- Trong hội thảo về tương tác với khán giả truyền hình sẽ đề cập đến tất cả các khâu tương tác, kể cả các chương trình mang tính chất chính luận; hoặc những chương trình giải trí, THTT. Hội thảo có sự tham gia của cả chuyên gia trong nước và nước ngoài, tất cả nhằm mục đích đem lại những chương trình truyền hình hấp dẫn, có chất lượng cao hơn tới khán giả.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần