Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ án Hồ Duy Hải: Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm điều tra lại

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai cấp tòa tuyên tử hình về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Khi chuẩn bị thi hành án tử, Hồ Duy Hải được tạm dừng thi hành án theo đề nghị của Chủ tịch Nước để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người. Thế nhưng cuối năm 2017, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An phát biểu “Giết đi cho rồi…; Để vậy làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương”.

Không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm
Viện KSND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh, để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định kháng nghị này thay quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao thời điểm năm 2011.
Theo kháng nghị của Viện KSND Tối cao, bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Bị cáo Hồ Duy Hải trong phiên tòa phúc thẩm năm 2009. Ảnh: Internet
Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Đồng thời, Viện KSND Tối cao xác định lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, theo Viện KSND Tối cao, cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND Tối cao nêu rõ những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ, cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.
Do đó, Viện KSND Tối cao cho rằng những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.
2 cấp tòa tuyên tử hình
Theo nội dung vụ án, hơn 10 năm trước, vào sáng sớm ngày 14/1/2008, anh Phùng Phụng Hiếu (nhân viên của Bưu điện Thủ Thừa) đến giao báo tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), nhưng cổng trước và sau không mở như thường lệ, dù gọi nhiều lần không ai thưa. Nhận thấy bất thường, anh Hiều ra phía sau trèo rào vô bưu điện thấy cửa khép hờ. Khi mở cửa, anh Hiếu thấy thi thể của 2 nữ nhân Bưu điện Cầu Voi là chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1987) nằm chết trên nền nhà với nhiều vệt máu.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Long An triệu tập hàng chục người để lấy lời khai. Tuy nhiên đến ngày 21/3/2008, Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt Hồ Duy Hải (SN 1985, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa). Cơ quan điều tra cho rằng Hải là hung thủ giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi.
Sau đó, kết luận điều tra của Công an tỉnh cũng như cáo trạng của Viện KSND tỉnh Long An cho rằng Hải cướp 1,4 triệu đồng, nhẫn, hoa tai của 2 nạn nhân và khoảng 40 simcard, thẻ cào ĐTDĐ. Khoảng một tuần sau án mạng, Hải đốt quần áo…, khi gây để phi tang.
Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An xử sơ thẩm tuyên tử hình Hồ Duy Hải với 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Sau đó Hồ Duy Hải kháng cáo kêu oan, đến ngày 28/4/2009, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, tử hình Hồ Duy Hải.
Trước 2 bản án tuyên tử hình con mình, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hồ Duy Hải) đội đơn kêu oan liên tục vì ngay tại phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan vô tội. Cuối tháng 10/2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ra quyết định không kháng nghị vụ án của Hồ Duy Hải.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An: Giết đi cho rồi!
Liên quan đến vụ án này, vào tháng 12/2017 cho đến nay dư luận vẫn không quên lời của ông Đinh Văn Sang (thời điểm năm 2017, là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An - PV), phát biểu trong buổi họp HĐND tỉnh Long An và được truyền hình trực tiếp: “Giết… tử tù Hồ Duy Hải đi cho rồi! Lâu lắm rồi, hiện nay chưa có xi-nhê gì. Để vậy làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương”. Nói xong ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An cười.
Cũng liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, trước đó trong đơn kêu oan do các luật sư bào chữa, bảo vệ cho Hải (các luật sư đã nói trong các phiên tòa - PV), nêu rõ nhiều điểm bất thường và mâu thuẫn. Đó là: Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải; Không có nhân chứng nào khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải, và Cơ quan CSĐT không chứng minh được Hải có mặt tại hiện trường, trong buổi tối xảy ra vụ án; Cơ quan CSĐT không tìm thấy và thu giữ được những tang vậy mà bị cáo Hồ Duy Hải khai đã dùng để gây án.
Cơ quan CSĐT đã nhờ người ra chợ mua mới (dao, thớt) hoặc dùng chiếc ghế tương tự để thay thế cho “hung khí thật”; Hồ sơ vụ án bị làm sai lệch: Lời khai của Hồ Duy Hải trong bản cung bị tẩy xóa, sửa chữa, không có sự xác nhận của bị cáo; HĐXX chỉ chọn và sử dụng những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc buộc tội, ngược lại không sử dụng và loại bỏ những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc gỡ tội!
Quyết định nhân văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Ngày 5/12/2014, theo lịch tử tù Hồ Duy Hải sẽ bị thi hành án tử hình. Nhưng, nhờ vào yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án Hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người, nên bị án Hải được sống.