Từ 2 xe tải cơi nới thùng, phát hiện loạt vi phạm tại Cục ĐKVN
Ngày 18/7, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 254 bị cáo trong vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản”.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Lập Nghĩa (SN 1975, thường trú quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cùng nhiều đồng phạm là người làm thuê, bị xét xử các tội “Nhận hối lộ; Giả mạo trong công tác; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Nhận thấy hoạt động kiểm định xe có “ăn”, nên Trần Lập Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư M.O, đăng ký hoạt động TTĐK 62-03D tại huyện Đức Hòa (Long An) và được Cục ĐKVN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới vào ngày 6/5/2019. Để được thành lập TTĐK 62-03D, Nghĩa gặp Trần Kỳ Hình (Cục trưởng ĐKVN) và đưa hối lộ 20 triệu đồng.
Vào ngày 26 và 28/10/2022, trong lúc tuần tra, tổ công tác của Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện 2 xe ô tô: 50H-100.20 và 51D-325.89 có dấu hiệu cơi nới thùng xe so với quy chuẩn nên kiểm tra. Kết quả xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với với số đo kích thước trong giấy chứng nhận kiểm định do TTĐK 62-03D cấp. Tuy nhiên, sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục ĐKVN nên chuyển cơ quan điều tra. Từ đây, các sai phạm tại Cục ĐKVN, các Chi cục Đăng kiểm, TTĐK trên cả nước lần lượt bị Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra ánh sáng.
Tại TTĐK 62-03D, do không đủ ĐKV theo quy định, nên Nghĩa chỉ đạo nhân viên Phan Minh Trị, Huỳnh Thái Bảo đưa tên Lê Văn Quốc, Tăng Phương Đông và Hồ Chí Cường (là những người có giấy chứng nhận ĐKV nhưng không làm việc tại TTĐK 62-03D) vào danh sách phân công kiểm định xe hàng ngày. Từ đó, Trị và Bảo dùng làm căn cứ kiểm định, ký cấp “giấy chứng nhận kiểm định” cho chủ sở hữu xe cơ giới đến TTĐK.
Giả làm Đăng kiểm viên và chữ ký của Đăng kiểm viên
Từ tháng 5/2019 đến khi cơ quan điều tra phát hiện sai phạm tại TTĐK 62-03D, Nghĩa đã chỉ đạo lãnh đạo và nhân viên ký giả chữ ký ĐKV theo tên và hồ sơ do Nghĩa đưa trong sổ phân công nhiệm vụ hàng ngày với hàng nghìn chữ ký. Thậm chí Nghĩa còn chỉ đạo lãnh đạo TTĐK chỉ đạo nhân viên Sơn Minh Khương mặc đồng phục và giả làm ĐKV tại khâu đo phanh và tải trọng xe; chỉ đạo nhân viên Đinh Quốc Thịnh mặc đồ giả làm ĐKV, ký chữ ký giả khi đoàn của Cục ĐKVN thanh tra TTĐK này. Tổng số giấy chứng nhận kiểm định “đạt” được TTĐK 62-03D cấp cho 35.253 phương tiện sai quy định, thu lợi hơn 9,843 tỷ đồng.
Về tiền nhận hối lộ của các chủ xe đưa đến kiểm định để bỏ qua các lỗi được quy ước: xe tải, xe ben 700.000 - 1.000.000 đồng, xe ô tô con 400.000 đồng; đối với xe cơi nới để được kiểm định đúng như thực trạng xe đã được cơi nới hoặc được thông qua kiểm định đúng như thông số kỹ thuật do Cục ĐKVN thì phải hối lộ từ 2,5-3 triệu đồng. Để nhận biết chủ xe nào đã đưa tiền, nhân viên TTĐK 62-03D đánh dấu “X” vào phiếu kiểm định, khi đó xe được bỏ qua lỗi. Với tổng số tiền hưởng lợi 9,843 tỷ đồng tại TTĐK 62-03D, Nghĩa đưa hối lộ cho hai Cục trưởng ĐKVN là Trần Kỳ Hình 100 triệu đồng, Đặng Việt Hà 660 triệu đồng.
Tương tự tại TTĐK 71-02D ở Bến Tre do Trần Lập Nghĩa làm chủ, được Cục ĐKVN cấp giấy chứng nhận hoạt động ngày 23/12/2020, cũng xảy ra việc nhận hối lộ của chủ xe, giả gần 400 chữ ký ĐKV, giả ĐKV. Trung tâm này cấp giấy chứng nhận kiểm định cho 6.062 phương tiện trái quy định, thu lợi hơn 1,796 tỷ đồng. Ngoài ra, TTĐK này còn dùng phần mềm MDO để can thiệp, chỉnh sửa thông số các xe ô tô có thông số không đạt thành “đạt”, như: đo khói, làm giả kết quả vòng quay động cơ, thời gian gia tốc… cho tổng cộng 678 xe.
Còn tại TTĐK 83-02D ở tỉnh Sóc Trăng cũng do Nghĩa làm chủ, được Cục ĐKVN cấp giấy chứng nhận hoạt động vào ngày 12/5/2016, cũng thực hiện các hành vi vi phạm như tất cả các TTĐK do Nghĩa làm chủ. Trung tâm này đã cấp giấy chứng nhận kiểm định cho 3.730 phương tiện, thu lợi bất chính từ việc thu phí kiểm định hơn 1,116 tỷ đồng.
Hối lộ cho hai Cục trưởng ĐKVN theo tháng, quý
Tại TTKĐ 83-02D, số tiền bỏ lỗi cho xe đến kiểm định được quy ước: xe con giá 300.000 đồng, xe từ 1-7 tấn giá 500.000, xe trên 7 tấn giá 700.000 đồng, nếu bỏ nhiều lỗi thì phải thêm tiền. Quá trình điều tra, Trần Lập Nghĩa khai làm chủ 5 TTĐK, gồm: 62-03D tại tỉnh Long An; 71-02D tại tỉnh Bến Tre; 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng; đối với TTĐK 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp, Nghĩa nhờ chị ruột là Trần Thị Ngọc Thủy đứng tên; đối với TTĐK 84-02D, Nghĩa thuê Phạm Thị Thanh Thùy đứng tên giám đốc, là người chỉ đạo điều hành, quyết định tất cả mọi hoạt động, hưởng lợi toàn bộ số tiền thu thập được tại các TTĐK, kể cả các khoản bất chính từ các hành vi trái pháp luật trong đăng kiểm.
Trần Lập Nghĩa thừa nhận tất cả trách nhiệm chỉ đạo nhân viên giả ĐKV, giả chữ ký ĐKV, sử dụng phần mềm để sửa thông số của xe, chỉ đạo nhận hối lộ từ chủ xe, tổng số tiền Nghĩa thu lợi bất chính là 14.767.035.311 đồng. Số tiền nhận hối lộ Nghĩa dùng để trả lương nhân viên, chi phí của các TTĐK và Nghĩa trực tiếp đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục ĐKVN là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.
Cụ thể, Trần Lập Nghĩa khai tại TTĐK 83-02D từ tháng thứ 7 sau khi thành lập trở đi, mỗi tháng Nghĩa đưa Trần Kỳ Hình 50 triệu đồng (3 tháng ra Hà Nội đưa 1 lần 150 triệu đồng). Khi ông Hình về hưu, thì ông Đặng Việt Hà lên làm Cục trưởng Cục ĐKVN, mỗi tháng Nghĩa đưa 50 triệu đồng cho đến tháng 10/2022.
Tại TTĐK 62-03D, Nghĩa đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình 20 triệu đồng để được cấp mã số trung tâm. Ngoài ra, hàng tháng Nghĩa phải đưa Trần Kỳ Hình 30 triệu đồng (cứ 3 tháng ra đưa một lần). Do TTĐK 62-03D mới hoạt động, nguồn khách ổn định nên hàng tháng Nghĩa còn đưa hối lộ cho Đặng Việt Hà 40 triệu đồng, cứ 2 tháng ra Cục ĐKVN đưa 1 lần cho đến tháng 10/2022.
Còn tại TTĐK 71-02D, Nghĩa đưa Trần Kỳ Hình số tiền 300 triệu đồng để được cấp mã số. Do TTĐK có nguồn khách hàng ổn định nên hàng tháng Nghĩa chung chi cho Hình 40 triệu đồng (3 tháng ra đưa 1 lần). Khi Trần Kỳ Hình về hưu, Đặng Việt Hà lên thay, mỗi tháng Nghĩa đưa Hà 40 triệu đồng cho đến tháng 10/2022.