Hai lần tự tử vì không chịu được uất ức
Theo cáo trạng, cả 5 bị cáo gồm: Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vươngđều bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, bị cáo Long thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như cáo trạng của truy tố. Bị cáo Long thừa nhận hành vi của mình là sai khi thu tiền của các hộ kinh doanh nhưng không thực hiện việc bốc dỡ hàng hóa. Giải thích cho việc này, bị cáo Long cho biết, do thực hiện theo hợp đồng bốc dỡ hàng hóa giữa tổ bốc dỡ và tiểu thương chợ Long Biên.Tất cả công việc bị cáo làm đều thực hiện theo lệnh của Tổ trưởng Nguyễn Kim Hưng và báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng”.
Đối chất tại toà, chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại - PV) cho biết, vợ chồng chị kinh doanh hoa quả và có ký 4 hợp đồng thuê 6 kiốt tại chợ Long Biên để sử dụng bán hàng. Trong quá trình hoạt động, Hưng “kính” tự ý thông báo với chị là Ban Quản lý chợ Long Biên giao cho Hưng toàn quyền giải quyết các vấn đề tại chợ và nếu chị muốn có chỗ đỗ xe, yên ổn làm ăn thì phải nộp cho nhóm của Hưng 100 triệu đồng một năm.
“Thực tế từ năm 2010 đến nay, chúng tôi phải nộp cho Hưng “kính” hơn 1 tỷ đồng tiền bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các nhân viên tổ bốc dỡ không hề làm việc, không thực hiện bốc dỡ, toàn bộ việc bốc dỡ hàng do nhân viên của chúng tôi làm. Song, tiền họ vẫn thu và thu rất nhiều. Chúng tôi phản đối, lập tức bị họ dằn mặt, khủng bố. Đã hai lần tôi phải tự tử trước hành vi mà bọn chúng gây ra cho tôi” - chị Nga cho hay.
Khôngbảo kê, chèn ép tiểu thương?
Trong khi đó, đối với bản cáo trạng truy tố, bị cáo Hưng khẳng định, có điểm đúng, có điểm không đúng.“Bị cáo thấy cáo trạng không đúng ở chỗ, bị cáo làm ở chợ Long Biên từ năm 1991 với nhiệm vụ là tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa. Việc hàng ngày của bị cáo là họp giao ban với Ban Quản lý chợ Long Biên. Chị Nghiêm Thị Nga (bị hại) kinh doanh hoa quả. Trước đây, vợ chồng chị Nga từng bị xã hội đen đánh và bị cáo phải ra mặt, can thiệp, giúp đỡ” – bị cáo Hưng nói.
Về hợp đồng bốc dỡ là do Ban Quản lý chợ Long Biên ký với các hộ kinh doanh, bị cáo Hưng cho biết, tất cả các hộ kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc là cho nhân viên của Ban Quản lý chợ bốc xếp và khẳng định mình không tham gia vào việc bảo kê hay chèn ép tiểu thương.
Tuy nhiên, theo bị hại Nghiêm Thúy Nga, trước những hành vi chèn ép của bị cáo Hưng và đàn em, chị đã làm đơn lên Ban quản lý Chợ Long Biên.Ngay lập tức, Ban Quản lý chợ cũng yêu cầu tổ bốc dỡ hàng hóa thực hiện đúng quy định và không tái diễn hành vi gây khó dễ cho vợ chồng chị Nga. Thế nhưng, thực hiện như cam kết được 5 ngày thì tổ bốc dỡ hàng hóa của Hưng "kính" lại tiếp tục các hành vi chèn ép vợ chồng chị Nga.Đối chất lại câu trả lời của bị hại, Hưng "kính" một mực chối tội và đổ tội cho đàn em. Bị cáo Hưng cho rằng, mình có một phần trách nhiệm khi buông lỏng quản lý và để đàn em tự tiện thu tiền. Số tiền đó các “đàn em” tự ý thu và chi tiêu riêng chứ bản thân Hưng không được hưởng lợi gì từ số tiền này.
Thế nhưng, tại toà, bị cáo Long cho biết, tất cả công việc mình làm đều thực hiện theo lệnh của Hưng và báo cáo lại trong buổi họp giao ban sáng.Bị cáo Vương cũng khai nhận, bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của Hưng và tiền thu được hàng ngày đều nộp về cho Hưng.Tương tự, bị cáo Tiến khai, Hưng bảo thu thì thu.
Hành vi phạm tội rất nghiêm trọng
Qua quá trình xét hỏi tại toà, đại diện VKS nhận định, các bị cáo đã khai nhận hành vi của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu, hồ sơ của vụ án. Đối với bị cáo Hưng, bị cáo chỉ khai nhận một phần hành vi của mình đã gây ra.
Theo đại diện VKS, các bị cáo lợi dụng hợp đồng lao động ký kết với BQL chợ Long Biên; lợi dụng công việc của mình, có hành vi xâm phạm đến nhân thân của bị hại. Với mỗi bị hại thực hiện với mỗi vai trò khác nhau. Trong đó, bị cáo Hưng giữ vai trò cầm đầu và chỉ huy mọi hoạt động của những bị cáo khác.
Xét vai trò, mức độ, hành vi của từng bị cáo, bị cáo Hưng phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất so với các bị cáo còn lại. Bị cáo Hưng có tình tiết giảm nhẹ là đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, cũng có tình tiết tăng nặng do phạm tội 2 lần trở lên. Các bị cáo khác cũng được xem xét những tình tiết giảm nhẹ nhưng bên cạnh đó VKS cũng nhận định các bị cáo vẫn có tình tiết tăng nặng.
Hành vi gây ra của các bị cáo là rất nghiêm trọng và gây bất bình trong Nhân dân. Vì vậy, cần áp dụng hình phạt tù để phòng ngừa chung cho xã hội. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hưng từ 4 năm 6 tháng – 5 năm tù; bị cáo Tiến 3 năm 6 tháng – 4 năm tù; bị cáo Hải và từ 4 năm – 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Vương từ 3 năm 6 tháng – 4 năm tù.