Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vũ Bảo Lâm và nhóm “Thất cầm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Vũ Bảo Lâm là một nghệ sĩ ghita uyên thâm, có công đầu trong việc xây dựng phong trào ghita Hà Nội và thương hiệu nhóm "Thất cầm" - huyền thoại ở Thủ đô.

Không những thế, khả năng sư phạm của ông cũng rất tốt, đã gây dựng nên CLB Ghi ta Hà Nội, tạo phong trào học tập trong đông đảo thanh niên.

Luôn tìm cái mới

Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm giờ sống trong một căn phòng nhỏ ở số nhà 28 Hai Bà Trưng. Ở tuổi 76, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, nhiệt tình như thời tuổi trẻ. Ông vẫn chơi đàn, dạy đàn cho các học trò, làm giàu thêm khả năng sư phạm. Là người yêu ghita và cống hiến hết mình cho nghệ thuật ghita, dùng ghita để nói lên những tâm sự, những trăn trở và cả những ước vọng của mình. Dẫu vậy, đời nghệ sĩ chỉ giàu có tiếng đàn, những âm thanh trong trẻo của một niềm đam mê chứ không giàu có tiền bạc. Bao nhiêu năm qua, ông sống giản dị như tiếng ghita ấy, dẫu cuộc đời cũng có nhiều biến cố.

Trước khi trở thành một "cây" ghita, Vũ Bảo Lâm là một danh thủ bóng bàn của Hà Nội. Ông yêu thể thao và say mê bóng bàn từ năm 12 tuổi. Khi đó, cậu bé Bảo Lâm được giải Nhất (đồng đội) của trường Dòng (Hà Nội) môn bóng bàn. Năm 1954, Bảo Lâm gặp ông Bùi Đức Long - đạt giải vô địch bóng bàn miền Bắc, ngay lập tức cha của Bảo Lâm đã mời nhà vô địch về chỉ dạy thêm cho con. Vũ Bảo Lâm được học nâng cao, sinh hoạt trong CLB Bóng bàn Hà Nội, được Sở Thể dục thể thao Hà Nội tín nhiệm, cử đi thi đấu các giải bóng bàn miền Bắc. Từ năm 1954, Bảo Lâm đã gặp và chơi thân với Đỗ Trường Giang - một thanh niên rất giỏi ghita lúc bấy giờ. Chính Trường Giang đã "bồi bổ" niềm yêu thích được học thêm ghita từ người bạn rất nhiệt tình này. Năm 1960, Bảo Lâm là kỹ sư xây dựng, công tác ở Sở Kiến trúc Hà Nội, tham gia gây dựng phong trào bóng bàn và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ quan. Vì cuộc sống khó khăn nên từ năm 1962, Bảo Lâm đã dạy ghita tại nhà cho một số thanh niên thích ghita để có thêm thu nhập. Thời gian này, ông vẫn cùng các bạn trong nhóm "Thất cầm" luyện tập, chơi nhạc ở các công trường lao động, các gia đình yêu âm nhạc.

 
 
Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm (thứ hai, bên trái sang) cùng các nghệ sĩ nhóm "Thất cầm".	 Ảnh: Nguyễn Văn
Nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm (thứ hai, bên trái sang) cùng các nghệ sĩ nhóm "Thất cầm". Ảnh: Nguyễn Văn
Năm 1972, Bảo Lâm có dịp được gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên ở trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ). Nhạc sĩ Phạm Tuyên nghe Bảo Lâm đàn, liền bảo: "Tôi thấy cậu đàn rất hay, tôi muốn cậu gọi một nhóm chơi ghita để phát lên sóng cổ vũ tinh thần cho công chúng. Lâm có làm được không?". Bảo Lâm hứa sẽ làm được. Thế rồi, máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, Bảo Lâm vừa sơ tán, vừa tìm cách liên lạc với anh em để đến thâu đàn đúng hẹn. Bao nhiêu khó khăn mới liên lạc được với sáu người còn lại, đúng 24/12/1972, nhóm "Thất cầm" có mặt tại 58 Quán Sứ. Vì người Hà Nội đang đi sơ tán, việc phát lên sóng phải tạm hoãn. Đến năm 1973, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại gọi Bảo Lâm, kể từ đó nhóm xuất hiện thường xuyên trên sóng phát thanh, trước công chúng Thủ đô và trở thành một tên tuổi có tiếng.

Nhờ khả năng sư phạm, từ năm 1981 - 1989, Bảo Lâm được mời về dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Thời gian này, ông nghiên cứu các phương pháp dạy hiện đại, do chuyển sang môi trường sư phạm, ông tích cực dự giờ nhiều lớp học của các giáo sư nổi tiếng thời đó như Nguyễn Văn Quỳ, Phạm Đức Hùng, Nguyễn Bảo Trọng, cùng các đồng nghiệp để thích nghi… và rút ra kinh nghiệm áp dụng cho ghita. Năm 1989, Bộ Đại học có tiêu chuẩn dạy ghita, ông được cử đến Công - gô. Tại đây ông vừa dạy ghita, vừa làm kiến trúc. Thời gian này, ông còn sang Pháp gặp nhiều nghệ sĩ ghita danh tiếng. Ở đó ông có điều kiện trao đổi, học hỏi và được nhiều gia đình người Pháp yêu ghita mời đến chơi tại nhà và dạy cho con họ. "Tại Pháp, người ta có những phương pháp dạy diệu kỳ. Tiếp cận với điều đó, tôi cũng tự xóa đi cái đường mòn xưa cũ, đúc rút ra cái riêng" - Vũ Bảo Lâm tâm sự.

Cuối năm 1990 về nước, ông tiếp tục dạy ghita ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và mở các lớp ghita tại gia đình. Bảo Lâm là người luôn chinh phục cái mới, và với những gì học được, ông luôn khơi mở cách dạy không giống ai, mỗi học sinh một kiểu, tùy theo khả năng mỗi người chứ không rập khuôn. Cũng bởi nghệ thuật là sự sáng tạo, là thứ không thể dùng công thức. Cách dạy của Bảo Lâm khẳng định, ông là người có phương pháp và đi một con đường riêng. Năm 2000, ông được CLB ghita Pháp mời sang biểu diễn, tại đó ông gặp gỡ nhiều nghệ sĩ ghita nổi tiếng ở Pháp.

Vừa ngân vừa tỏa hương

Nhiều người dân Hà Nội còn nhớ rất rõ hình ảnh của nhóm "Thất cầm", từ năm 1972 đã "truyền lửa" cho giới trẻ yêu ghita thêm say sưa với loại nhạc cụ này đến thế nào. Nhiều lớp học được mở ra, thu hút đông đảo sinh viên, học sinh và người dân tham gia. Hiện tại, bốn trong số bảy người là Nguyễn Tỵ, Vũ Bảo Lâm, Phạm Văn Phúc và Nguyễn Quang Tôn vẫn say sưa dạy ghita ở Hà Nội. Thời đó, phong trào ghita ở miền Bắc chưa có gì đặc biệt. Lúc đó, đĩa hát về ghita rất hiếm, sách vở bài bản cũng hiếm, thỉnh thoảng có người bạn ở nước ngoài mang đĩa về thì những nghệ sĩ mới được nghe các nghệ sĩ nước ngoài chơi các tác phẩm của họ.

Qua tìm hiểu, nhóm "Thất cầm" được thu và phát trên sóng từ năm 1973, cũng từ đó, họ mang tiếng đàn phục vụ người dân. Tiếng đàn cứ ngân lên, ngân mãi, vừa ngân vừa tỏa hương, trở thành một món ăn tinh thần linh diệu cho hàng vạn người hâm mộ. Yêu hoa cúc nhỏ, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm cũng ví đời mình như hoa cúc, ngón đàn của mình cũng như hoa cúc. Với vẻ bình dị, nhưng đã tận hiến vẻ đẹp cho đời.

Là nghệ sĩ, khi biểu diễn trên sân khấu, Bảo Lâm thấy, muốn mê hoặc được quần chúng bằng tiếng đàn, thì phải khổ công luyện tập để tạo ra những âm thanh có sức sống, lay động được tâm hồn con người. Ngày nhóm "Thất cầm" được Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định thành lập thành CLB Ghita, ông cũng thường xuyên xuống đường phố luyện tập đến khuya để khỏi ảnh hưởng đến gia đình, hàng xóm. Khi CLB ghita của Hội Nhạc sĩ Hà Nội đi vào thoái trào, năm 1985, ông đứng lên thành lập CLB ghita Cổ điển Hà Nội. Bảo Lâm chia sẻ: "Tôi thành lập CLB này với ý nghĩ, nên có một chỗ để cho giới trẻ sinh hoạt, biểu diễn, học tập và phát triển tài năng". Khi được Bộ Đại học cử đi dạy ghita ở nước ngoài, Bảo Lâm giao lại cho Phạm Văn Phúc. Giờ thì những nghệ sĩ trẻ Hà Nội coi sóc nó, CLB đó hoạt động tốt, thu hút giới trẻ tham gia. Và phải khẳng định, công lao gây dựng nền ghita Hà Nội của nghệ sĩ Bảo Lâm rất lớn. Hàng trăm học trò, không nhớ hết tên, nhưng Bảo Lâm có thể kể ra một số, như các nghệ sĩ Vũ Việt Cường, Trịnh Minh Cường, Cao Sỹ Anh Tùng, Bùi Tuấn Anh…

Bảo Lâm yêu đàn ghita như yêu những giọt máu trong mình và lao tâm khổ tứ vì nó. Ông cũng nhận thấy những điểm nổi trội của nó so với các loại nhạc cụ khác và vẫn đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn của cây ghita. Bởi thế, ông hiểu ghita như hiểu bản thân mình. Hiện ông nghiên cứu kỹ thuật biểu diễn ghita do các nghệ sĩ nước ngoài cung cấp. Trong quá trình nghiên cứu đó, ông có thêm kiến thức để dạy cho học trò, đồng thời ngón đàn ông càng điêu luyện. Ấy thế, cuộc đời ông có nhiều chuyện không may. Đó là khi về hưu, cách đây 20 năm, do mất hồ sơ nên không được nhận một đồng chế độ. Mới đây, tháng 9/2013, nhờ một số phụ huynh học sinh nhiệt tình giúp đỡ, Vũ Bảo Lâm đã được nhận quyền lợi.

Là người phúc hậu và hết lòng vì công việc, Vũ Bảo Lâm vẫn luôn khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người. Trong cách chơi và cách dạy, ông đều chứng tỏ khả năng vượt trội. Sống và tâm huyết "đốt đuốc" dạy học trò, nhiều học trò biết ơn, nhưng một số thành tài lại không công nhận thầy. Ông cũng vui vẻ chấp nhận. Với tôi, ông là "bông hoa ghita" nở bình dị nhưng đẹp tươi trong dòng chảy gấp gáp và khắc nghiệt của thời gian.