Vụ buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam: Những kẻ buôn lậu trong vỏ bọc doanh nhân

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án bắt giữ 51kg vàng 9999 vừa qua tại tỉnh An Giang gây rúng động dư luận khi có nhiều đối tượng liên quan, hoạt động liên tỉnh; phía sau các đối tượng này là những công ty, DN “núp bóng” để thực hiện hành vi buôn lậu. Theo các chuyên gia pháp luật, hành vi vận chuyển trái phép vàng qua biên giới sẽ bị xử lý về tội buôn lậu với khung hình phạt cao nhất có thể từ 12 - 20 năm.

 Đối tượng Trần Văn Hải

Nhiều DN “núp bóng” để thực hiện hành vi buôn lậu
Ngày 4/11, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức khen thưởng đột xuất cho Công an tỉnh An Giang vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch triệt phá chuyên án “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” trong vụ bắt giữ 51kg vàng 9999 vừa qua.

Trước đó, chiều 30/10, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã chỉ đạo tổ công tác thuộc các phòng nghiệp vụ công an tỉnh tuần tra trên tuyến biên giới, phát hiện nhóm người đi xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Khi phát hiện lực lượng công an, nhóm này chống trả quyết liệt và bỏ chạy xuống xuồng máy tẩu thoát. Lực lượng công an đã kịp thời bắt giữ Trần Văn Hải (49 tuổi, trú tại xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang), cùng 2 bao tải và 1 bọc nilông màu đen, bên trong có 51kg kim loại màu vàng nghi vàng lậu.

Theo kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), 51kg kim loại màu vàng vận chuyển qua biên giới bị Công an tỉnh An Giang bắt giữ là vàng 9999 không lẫn tạp chất. Cảnh sát cũng bắt thêm 3 nghi phạm liên quan vụ việc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra về hành vi "Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới".

Ngoài ra, cơ quan công an phát hiện còn nhiều đối tượng liên quan, hoạt động liên tỉnh. Không chỉ riêng An Giang, các đối tượng còn nhận hàng về để giao cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Phía sau các đối tượng này là những công ty, DN “núp bóng” để thực hiện hành vi buôn lậu. Chúng có mối quan hệ chằng chịt với nhau, mang vỏ bọc doanh nhân đi làm từ thiện để ngụy trang nên rất khó phân biệt. Công an tỉnh An Giang hiện đang mở rộng điều tra để làm rõ vai trò của những người liên quan khác.

Theo cơ quan công an, cuộc chiến với tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam thời gian qua luôn nóng bỏng. Lực lượng công an cũng như hải quan, biên phòng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh do phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, có tổ chức, luôn tìm mọi biện pháp để đối phó, né tránh. Đường dây hoạt động, vận chuyển, buôn lậu được hình thành chặt chẽ, khép kín, chủ yếu là họ hàng, người thân với các đầu nậu. Trong đó, An Giang là địa phương có tuyến biên giới kéo dài gần 100km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch thông với các tỉnh của Campuchia. Đó là điều kiện cho tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động. Mặc dù các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn, mánh khóe nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Song, với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều đường dây tổ chức buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam đã bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt xóa.
 51kg vàng được Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an kết luận là vàng thật không lẫn tạp chất.
Kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý

Theo Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang, thời gian tới, lực lượng công an sẽ chủ động phối hợp cùng hải quan, biên phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, các đường mòn, lối mở, kênh, dòng sông chung biên giới, bến đò... để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh đó, Công an tỉnh An Giang cũng xây dựng, xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh xử lý không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn…

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông nhận định, buôn lậu luôn là vấn đề nóng tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam với Trung Quốc. Trong thời gian qua, tình trạng buôn lậu vàng tại khu vực biên giới Tây Nam diễn ra khá phức tạp, bởi vàng tại Campuchia khi đưa trái phép vào Việt Nam sẽ mang lại lợi nhuận khá lớn cho các đối tượng. Theo quy định của pháp luật, để có đủ điều kiện nhập khẩu vàng cần phải thỏa mãn các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước cấp. Nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Có vốn pháp định tối thiểu là 5 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề. Không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông tin trên thị trường trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Như vậy, điều kiện để nhập khẩu vàng rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể nhập khẩu vàng bởi mặt hàng này có tác động khá lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia. Các đối tượng buôn lậu vàng bởi vàng là mặt hàng kim loại quý dễ vận chuyển, có tính thanh khoản cao, mang lại lợi nhuận lớn bởi họ sẽ trốn được các loại thuế của nhà nước. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi vận chuyển trái phép vàng qua biên giới sẽ bị xử lý về tội buôn lậu được quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể từ 12 đến 20 năm.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Cơ quan chức năng cần tập trung phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.

Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - ông Đàm Thanh Thế

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần