Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng BIDV: Biết sai nhưng vẫn cho vay vì chịu áp lực từ cấp trên?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/10, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng BIDV liên quan đến ông Trần Bắc Hà. HĐXX tập trung làm rõ hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng trong việc cho Công ty Trung Dũng vay vốn.

 Cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang được dẫn giải tới phiên toà. (Ảnh: Phạm Dự)
Theo cáo trạng, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV nhưng tháng 8/2011, bốn bị cáo Ngô Duy Chính - cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp  - cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang - cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV Chi nhánh Hà Thành và Đặng Thành Nam - cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.
Cáo trạng cũng xác định, đối với 26 khoản vay, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của DN để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép dẫn đến dư nợ lớn và gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Chính cho biết, Công ty Trung Dũng là đơn vị vay vốn lớn và luôn hoàn thành việc trả nợ và là khách hàng uy tín của BIDV. Khi Công ty Trung Dũng đề nghị cấp tín dụng năm 2011, chi nhánh có triển khai xem xét hồ sơ thấy đủ điều kiện và đề xuất với BIDV. Tuy nhiên, HĐXX đã trích dẫn Kết luận thanh tra của NHNN đối với Chi nhánh Hà Thành có cho thấy, Công ty Trung Dũng còn nhiều dư nợ, lợi nhuận giảm nhanh, có dấu hiệu kinh doanh dựa trên vốn vay và vốn chiếm dụng từ các DN khác.
Trong khi đó, bị cáo Giáp khai, bản thân có yêu cầu Công ty Trung Dũng phải kèm theo điều kiện quản lý dòng tiền DN và bổ sung tài sản đảm bảo. Tại thời điểm ký giải ngân, Công ty Trung Dũng có cam kết với chi nhánh để thực hiện đủ điều kiện về tài sản đảm bảo và chi nhánh đã làm việc nhiều lần nhưng DN vẫn chưa bổ sung. Đáng chú ý, hai bị cáo Chính và Giáp đều khẳng định, bản thân phải chịu áp lực từ cấp trên trong việc cho vay. 
Về mối quan hệ với ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, bị cáo Đoàn Hồng Dũng - cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng khẳng định trước tòa, mọi hoạt động đều qua BIDV Chi nhánh Hà Thành và DN của mình vẫn chưa đến lượt để “quan hệ” với ông Trần Bắc Hà. Tuy nhiên, tài liệu vụ án thể hiện, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo BIDV Chi nhánh Hà Thành thực hiện đề xuất phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng trước khi chi nhánh và các Ban của Hội sở báo cáo, đề xuất là ngược với quy trình cấp tính dụng của BIDV. Việc làm này của ông Trần Bắc Hà bị VKS xác định là “có ưu ái đặc biệt” cho Công ty Trung Dũng và gây áp lực cho một số cán bộ BIDV Chi nhánh Hà Thành trong việc đề xuất phát hành L/C theo món khi Công ty Trung Dũng không đủ điều kiện tài chính để trả nợ khi đến hạn.
 Các bị cáo tại phiên toà.
Trước đó, khai nhận tại phiên toà chiều muộn 26/10, bị cáo Trần Lục Lang - cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV thừa nhận, các cáo buộc của VKS nhưng xin được giải trình lý do các sai phạm. Bị cáo Lang khai, đã ký phê duyệt vào các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng để cho Công ty Bình Hà vay vốn.
Với cáo buộc gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng, bị cáo Lang tường trình từ đầu bản thân đã thấy dự án có nhiều rủi ro và có đề xuất cần bổ sung thêm tài sản đảm bảo khi cho Công ty Bình Hà vay. Tuy nhiên, thời điểm đó ông Trần Bắc Hà không đồng ý và doạ "sẽ cách chức". Trong vụ án này, bản thân chỉ có vai trò mờ nhạt và không tham gia giai đoạn thẩm định, kiểm soát cho vay tín dụng. "Bị cáo thấy mình chỉ là một phần của công đoạn nên cũng có một phần trách nhiệm" – bị cáo Lang trình bày.
Tương tự, bị cáo Đoàn Ánh Sáng - cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV cũng không phản bác cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo Sáng cho rằng bản thân bị cấp trên ép buộc trong việc đồng ý với đề xuất cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Theo lời khai, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo việc thẩm định phê duyệt cho vay và quyền quyết định thuộc về HĐQT. "Giai đoạn này tài sản đảm bảo của Công ty Bình Hà không có, vốn cổ đông cũng không đủ nhưng vì sao ngân hàng lại cấp hạn mức tín dụng?”. Nghe chủ tọa truy vấn, bị cáo Sáng im lặng.