Vụ địa ốc Alibaba, thanh tra nhận hối lộ làm "nóng" họp báo Bộ Xây dựng

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi họp báo thường kỳ quý 3 năm 2019 của Bộ Xây dựng được tổ chức vào chiều ngày cuối cùng tháng 9/2019 (30/9), đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, bởi chính hàng loạt vấn đề "nóng" của ngành xảy ra trong thời gian qua.

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Huyền Trang.
Tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ đã cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực của ngành xây dựng và có phân công cụ thể đơn vị, tiến độ thực hiện. Đồng thời, ban hành đầy đủ, kịp thời, tổ chức quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện đến từng đơn vị các chương trình, kế hoạch hành động.
Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng, công khai thông tin trong đấu thầu, thường xuyên cập nhật số liệu và kết quả đấu thầu qua mạng được tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia...
Trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các Thông tư về hoạt động xây dựng, phân cấp công trình xây dựng và giám định công trình...
Trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, đảm bảo sự ổn định, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, không để xảy ra các biểu hiện cực đoan. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trong quý 3, giá bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có biến động, tuy nhiên lượng biến động không lớn.
Thị trường vật liệu xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2019 không có nhiều biến động. Cân đối cung cầu về xi măng cơ bản được đảm bảo. Ngoài ra, Bộ đã thẩm định và công bố 49 tiêu chuẩn Việt Nam; đang tập trung nghiên cứu dự kiến trong năm 2019 sẽ ban hành 04 quy chuẩn Việt Nam về các lĩnh vực quy hoạch xây dựng về nhà chung cư, trong đó có nhà chung cư hỗn hợp kết hợp các chức năng thương mại, dịch vụ, văn phòng như căn hộ du lịch condotel, căn hộ văn phòng officetel, sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, an toàn cháy cho nhà và công trình; Tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng Nhà Quốc hội Lào...
Trụ sở 1 chi nhánh của Công ty Alibaba.
Dự án của Công ty Alibaba vi phạm ở tất cả các luật
Liên quan đến những dự án "ma", chuyển nhượng đất nền, thông tin quảng cáo trái quy định mà điển hình là các dự án của Công ty Alibaba xảy ra trong thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Trách nhiệm quản lý thị trường bất động sản đối với Bộ Xây dựng được quy định tại điều 17, Luật Kinh doanh bất động sản; UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được quy định tại điều 78, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Để triển khai một dự án có rất nhiều công đoạn, liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị... Nếu là dự án vi phạm thì phải xác định dự án đó vi phạm ở giai đoạn nào, luật nào.
Theo đánh giá, các dự án của Công ty Alibaba vi phạm ở tất cả các luật, do đó sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với Bộ Xây dựng, Bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản và phối hợp với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát dự án. Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm chính, là đơn vị trực tiếp thanh tra, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, điều chỉnh và cho phép chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
"Đối với các dự án vi phạm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 11 về thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý Nhà nước đã có văn bản gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các giải pháp...", Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh.
Chưa có kết luận vụ đoàn thanh tra xây dựng vi phạm tại Vĩnh Phúc
Thông tin về vụ vi phạm của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc, ông Lê Văn Lãng - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Trong quá trình xảy ra vụ việc cán bộ của thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt tại Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chủ động làm việc với cơ quan công an tỉnh Vĩnh Phúc về trách nhiệm của mình.

Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc gồm 6 người do bà Nguyễn Thị Kim Anh là trưởng đoàn. Ngày 15/6, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng, và ông Đặng Hải Anh, thành viên đoàn, về hành vi "nhận hối lộ".

Ngày 18/6, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam với bà Nguyễn Thị Kim Anh cùng 2 thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thùy Linh về tội "nhận hối lộ".

Ủy ban kiểm tra Trung ương đã vào làm việc với Thanh tra Bộ Xây dựng để xem xét xử lý, kỷ luật tập thể và cá nhân liên quan… Phía Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đang chờ kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương để thực hiện.
Sau sự việc này, Bộ Xây dựng đã thành lập thanh tra thứ 2 theo quy định. Việc công bố kết luận thanh tra sẽ sớm được công bố trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Lãng thông tin thêm, đến thời điểm này, Công an tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thông báo chính thức về tội danh của bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn Thanh tra. Hiện Thanh tra Bộ vẫn chưa nắm thêm được thông tin, vẫn phải đợi cơ quan Công an Vĩnh Phúc điều tra, xem xét.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về lý do tại sao trong đoàn thanh tra đi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, lại bố trí có 2 chị em ruột, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng pháp luật cũng không cấm điều này.
Khi được hỏi về việc công bố kết luận thanh tra, ông Lãng thừa nhận, đoàn thanh tra thứ 2 của Bộ Xây dựng đã kết thúc công việc. Tuy nhiên, vì tính chất vụ việc phức tạp, để công tác đánh giá cho khách quan, trung thực, phản ánh bức tranh toàn cảnh thì phải cần thêm thời gian.
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến ô nhiễm thêm trầm trọng
Về tình trạng ô nhiễm hiện nay tại các đô thị, đặc biệt là hai đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đại diện Cục Phát triển đô thị cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất kinh tế, đầu tư xây dựng, giao thông... trong đó cũng có ý thức của cư dân đô thị.
Đối với các công trình thi công xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đã có những quy định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhà thầu. Các Sở Xây dựng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã triển khai 3 nhóm biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững như: Lồng ghép vào trong công tác quy hoạch đô thị, định hướng theo quy hoạch, giảm thiểu các vấn đề giao thông con lắc, đi lại giữa các khu vực, lồng ghép với các vấn đề biến đổi khí hậu; Tăng cường các chương trình đầu tư để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; Quản lý đô thị hướng tới tăng trưởng xanh.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định
Về khung pháp lý loại hình condotel, officetel, đại diện Bộ Xây dựng cho biết: Bộ có trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chế quản lý vận hành condotel, officetel. Thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về loại hình condotel, officetel.
Về tranh chấp chung cư như xây dựng vượt tầng, không cấp sổ đỏ đúng thời hạn, vi phạm quy hoạch, bàn giao không đúng tiến độ, không bàn giao kinh phí bảo trì... Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định, hành vi vi phạm nào thì đối chiếu với pháp luật đó.
Thực tế, việc tổ chức thực hiện công tác vận hành nhà chung cư còn nhiều bất cập như: Rất ít địa phương thực hiện việc cưỡng chế, xử lý hành vi lạm dụng, chiếm dụng quỹ bảo trì... Bộ Xây dựng với trách nhiệm của mình đã rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục sửa đổi Thông tư 02.
Trước câu hỏi của phóng viên về tình hình bất động sản du lịch tại khu vực miền Trung giảm, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết nguyên nhân là do cung cầu, bão hòa trong thị trường. Còn với vấn đề cơ sở pháp lý về việc cấp giấy chứng nhận, thời hạn cấp giấy, giấy chứng nhận được cấp như thế nào, chế độ sử dụng đất, thuế đất, quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ chế quản lý vận hành... vẫn còn phải chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần