Quy định thiếu, áp dụng yếu
Luật sư Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Vụ việc người thợ điện đổi 100 USD ở TP Cần Thơ bị phạt VPHC 90 triệu đồng, thể hiện sự thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, làm dư luận không đồng tình.
Việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa thị trường phải được thực thi, những quy định cứng không có định lượng, đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt. Nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi? Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, những mức phạt phải xem xét lại, vì đổi 10 USD hay 100 USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD, 100.000 USD từ 80 - 100 triệu đồng là không phù hợp. Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai hầu như không bị kiểm soát. Vì thế Nhà nước cần thu hẹp thị trường này trước, để người dân không còn vi phạm như anh thợ điện”.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ thông tin tới báo chí: “Nghị định 96/2014/NĐ-CP nhằm ngăn chặn những người buôn bán kiếm lời chứ không nhắm vào người bán lẻ như ông Rê để phạt. Tuy nhiên, khi đi vào trường hợp cụ thể này thì thấy chưa hợp lý.
Giả sử ông Rê đổi 10.000 USD sẽ khác. Phải chi ngay khi lập biên bản vi phạm cơ quan chức năng nhận thấy sự bất hợp lý trên và hướng dẫn cho người vi phạm các thủ tục xin miễn, giảm trình lãnh đạo UBND TP Cần Thơ thay vì đề nghị phạt 80 - 100 triệu đồng, hướng xử lý đã tốt hơn, không khiến dư luận bị sốc”.
Ảnh minh họa |
“Mặt khác người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt, thì làm sao biết được ông Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ra quyết định phạt như thế nào để hướng dẫn người dân xin xỏ? Nếu làm theo cách đó, rất dễ phát sinh tiêu cực từ nguời đi xin và người có thẩm quyền cho trong những trường hợp tương tự”, luật sư Phạm Công Hùng lập luận.
Cũng theo luật sư Hùng, vấn đề thứ hai trong vụ việc này là chưa áp dụng đúng luật xử lý VPHC. Bởi đã xác định hành vi đổi 100 USD của ông Rê không thuộc trường hợp mua, bán để kiếm lời mà người lập biên bản vẫn tiến hành lập biên bản và ông Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vẫn ra quyết định xử phạt VPHC ông Rê thì chứng tỏ những người lập biên bản và ông Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ áp dụng không đúng Luật xử lý VPHC khi thực thi công vụ.
Cụ thể tại điểm c, khoản 1, điều 3, Luật Xử lý VPHC năm 2012, quy định: “Việc xử lý VPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm...”. Nên trong trường hợp cụ thể này, ông Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hoàn toàn có quyền quyết định không xử phạt ông Rê vì lý do “tính chất, mức độ và hậu quả” của hành vi đổi 100 USD chưa nghiêm trọng đến mức phải xử lý VPHC. Và, ông Rê là người lao động lương thiện, không kinh doanh, mua bán 100 USD để kiếm lời, nên thuộc “đối tượng” không bị xử phạt.
Phải áp dụng đúng luật khi thi hành công vụ Yêu cầu quan trọng đối với người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước nói chung và người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý VPHC nói riêng, là phải hiểu và áp dụng chính xác tất cả các các quy định của pháp luật khi thực thi công vụ. Giải pháp tốt nhất thay vì huớng dẫn các thủ tục xin xỏ lòng vòng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cần áp dụng điểm c khoản 1 điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 để hủy quyết định xử phạt nêu trên. Điều này không những không làm mất uy tín của chính quyền, mà lại còn thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe dân, hiểu dân và áp dụng pháp luật một cách toàn diện, chính xác trong thực thi công vụ. Luật sư Phạm Công Hùng |