Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ học sinh gãy chân tại trường: Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Trung Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quan điểm riêng của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội xung quanh vụ việc học sinh bị gãy chân tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy - Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên.

Vụ việc học sinh bị gãy chân tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy - Hà Nội) vào đầu tháng 12/2016, sau đó hiệu trưởng phát phiếu khảo sát đến từng học sinh (HS), giáo viên để chứng minh mình vô can...

Tuy nhiên, sau buổi làm việc mới đây nhất với phòng giáo dục quận Cầu Giấy, cô hiệu trưởng "chợt nhớ" là mình có đi xe taxi vào sân trường... Vấn đề này đang khiến dư luận xã hội bức xúc, lo ngại cách hành xử trên lại xảy ra chính ở môi trường giáo dục.

Xung quanh vụ việc này, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, hiện vụ việc đang tiếp tục chuyển lên công an TP để điều tra. Sau khi có kết luận của công an và đây sẽ là căn cứ để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.
  Trường tiểu học Nam Trung Yên
Trước vụ việc trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đã trao đổi cùng phóng viên và đưa ra quan điểm riêng của mình xung quanh sự việc này.

Việc một số trường học nhận trông giữ xe ô tô trong trường, đặc biệt qua vụ việc HS bị gãy chân tại trường tiểu học Nam Trung Yên (nghi do va chạm vào xe ô tô), ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Thứ nhất, các trường phải bảo đảm an toàn cho HS. Việc cho xe ô tô đi lại trong sân trường, nhà trường phải rút kinh nghiệm. Đây cũng là bài học không chỉ trường tiểu học Nam Trung Yên mà cho tất cả các nhà trường trên địa bàn TP. Ngoài ra, theo quy định của Sở GD&ĐT, tất cả các nhà trường không được trông giữ xe tại trường, sau việc này, các cơ quan quản lý phải kiểm tra, rà soát lại, làm thật nghiêm, bảo đảm môi trường học tập, vui chơi của HS, để không xảy ra trường hợp đáng tiếc trên.

Điều khiến dư luận bức xúc (sau sự việc xảy ra, hiệu trưởng đã tự lấy phiếu khảo sát của HS để chứng minh mình vô can) và cho rằng, hành động của chính người làm quản lý giáo dục đang dạy học sinh dối trá, làm giáo dục mà hành xử phản giáo dục. Quan điểm của ông về việc này?

Theo tôi, sự việc xảy ra trong nhà trường, trước hết người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm. Qua phản ánh của phụ huynh HS em bị tai nạn và của báo chí cho thấy, người hiệu trưởng này đã không thể hiện đúng Quy tắc ứng xử mà TP yêu cầu. Trong đó, bộ Quy tắc ứng xử có mấy vấn đề: Thứ nhất, tư cách hiệu trưởng, người quản lý nhà trường phải quản lý, kiểm soát tất cả các vấn đề, thế nhưng chính hiệu trưởng lại cho xe ô tô đi vào trường trong giờ học, ra chơi của HS, làm ảnh hưởng, không bảo đảm an toàn, sức khỏe của HS. Đây là việc làm sai. Thứ 2, khi xảy ra sự việc lại không dám nhận trách nhiệm để khắc phục, lại có hành xử không chuẩn mực, quanh co, không nhận trách nhiệm. Đặc biệt, lại đứng ra tổ chức khảo sát giáo viên, HS để chứng minh mình vô can... Chính điều này, từ một chuyện nhỏ đã xé ra to. “Do HS chạy nhảy dẫn đến gãy xương đùi”, đây là câu trả lời khách quan của sự việc, (không thể chỉ chạy nhảy mà gãy chân) điều này là không trung thực, thiếu gương mẫu để làm gương cho giáo viên, HS.

Theo ông, với một nhà giáo, nhất là một nhà quản lý giáo dục thì cần có những yếu tố nào? Với một nhà lãnh đạo, cách hành xử chưa chuẩn mực, có đủ tư cách để tiếp tục làm quản lý?

Qua sự việc trên, đầu tiên, về phía nhà trường, tập thể nhà giáo phải lên tiếng, không thể vì là lãnh đạo của mình mà bao che. Ngoài ra, hiệu trưởng phải kiểm điểm, nhận trách nhiệm. Là người gây ra hậu quả không dám đối mặt, hiệu trưởng phải xem xét lại. Đặc biệt, việc quanh co và đem HS ra khảo sát để chối bỏ trách nhiệm, theo tôi, với một người quản lý như vậy cần xem xét lại tư cách hiệu trưởng.

Để làm rõ ràng sự việc, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ trách nhiệm. Phải làm cho thỏa đáng để làm gương không chỉ trong ngành giáo dục mà các ngành, cấp khác.

Xin cảm ơn ông!