Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

‘Vụ Jetstar Pacific không nên ầm ĩ’

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục Hàng không VN, đơn vị quản lý chuyên ngành, gần một năm rưỡi qua liên tiếp ra văn bản nêu ý kiến về vấn đề thương hiệu của Jetstar Pacific song chưa đưa ra động thái quyết liệt nào.

KTĐT - Cục Hàng không VN, đơn vị quản lý chuyên ngành, gần một năm rưỡi qua liên tiếp ra văn bản nêu ý kiến về vấn đề thương hiệu của Jetstar Pacific song chưa đưa ra động thái quyết liệt nào.

Bộ Giao thông Vận tải sắp có buổi làm việc trực tiếp với Jetstar Pacific Airlines và cổ đông lớn nhất là SCIC để làm rõ một số khúc mắc trong thương hiệu của hãng hàng không này.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết quan điểm của Bộ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là các công ty tư nhân, công ty cổ phần. “Cái gì chưa rõ ràng thì giải quyết trên cơ sở để doanh nghiệp tồn tại, đủ sức cạnh tranh chứ không có gì lùm xùm ở đây cả. Mong muốn của chúng tôi là thị trường hàng không phát triển, cạnh tranh lành mạnh”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh.

Lý giải về những tranh cãi giữa Cục Hàng không VN và Jetstar Pacific Airlines liên quan đến thương hiệu trong hơn một năm qua, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng đó là chuyện bình thường phát sinh trong quá trình thực thi Luật Hàng không. Trong đó, Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận logo và thương hiệu của Jetstar Pacific Airlines, còn Luật Hàng không lại không cho phép hãng hàng không nước ngoài khai thác các trục bay nội địa.

“Nhiều nước trên thế giới cũng quy định điều này và tôi cho rằng Luật của ta cũng theo chuẩn quốc tế”, ông Dũng nói và cho biết Pacific Airlines liên doanh với hãng Qantas của Australia để sử dụng thương hiệu Jetstar, căn bản cách làm này không có gì phải bàn, song vấn đề khiến Cục Hàng không VN lo ngại có thể là các hãng nước ngoài lợi dụng liên doanh này để quảng bá hình ảnh trên các trục bay nội địa.

“Tất nhiên cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có trách nhiệm làm rõ vấn đề trên cơ sở tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Tôi muốn nhắc lại là hiện tại Jetstar Pacific Airlines chưa gặp bất cứ rắc rối nào và vẫn hoạt động bình thường. Những vấn đề liên quan đến thương hiệu và việc họ có làm trái luật hay không sẽ được giải quyết triệt để trong cuộc họp sắp tới”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết thêm.

Sau thời gian đứng chênh vênh bên bờ phá sản, Hãng hàng không Pacific Airlines cũ, nay là Jetstar Pacific Airlines được bàn giao về Siêu tổng công ty SCIC. Ngày 26/4/2007, SCIC quyết định bán 30% phần vốn sở hữu, tương đương với 50 triệu USD cho đối tác ngoại là Tập đoàn Qantas để tái cơ cấu lại Pacific Airlines. Vụ mua bán này được đánh giá cao thời bấy giờ và giúp Pacific Airlines trước nguy cơ bị xóa sổ, sau khi chuyển nhượng cổ phần, SCIC vẫn nắm giữ khoảng 70% vốn nhà nước.

Ngày 23/5/2008, hãng Pacific Airlines đổi tên và biểu tượng, từ Pacific Airlines trở thành hãng hàng không Jetstar Pacific. Tại thời điểm Pacific Airlines công bố đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines, đã xuất hiện những ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng khi có yếu tố nước ngoài tham gia, cạnh tranh sẽ góp phần thúc đẩy thị trường hàng không phát triển. Khi ấy các hãng hàng không khác sẽ phải nhìn lại mình để cải tổ bộ máy, đem lại quyền lợi thiết thực hơn cho người sử dụng. Điều này có thể nhận thấy rất rõ ở lĩnh vực viễn thông khi có sự tham gia của Viettel, S-Fone... bên cạnh gã khổng lồ VNPT.

Tuy nhiên cũng không ít người "ngậm ngùi" cho một cái tên Pacific Airlines có từ 17 năm giờ biến mất. Sau khi đổi tên, các khâu tiếp thị, quảng cáo, trang chí máy bay, website đặt chỗ đến đồng phục nhân viên... đều mang màu sắc của hãng Jetstar chứ không mang biểu tượng Pacific Airlines.

Cục Hàng không VN, đơn vị quản lý chuyên ngành, gần một năm rưỡi qua liên tiếp ra văn bản nêu ý kiến về vấn đề thương hiệu của Jetstar Pacific song chưa đưa ra động thái quyết liệt nào. Giới chuyên gia cho rằng nếu Luật đã rõ thì cứ chiếu theo các điều, khoản mà tuýt còi doanh nghiệp. Jetstar Pacific Airlines mập mờ ở đâu, sai ở điểm nào cần phải chỉ rõ, cần thiết nếu họ làm sai luật thì yêu cầu ngừng khai thác.

Một chuyên gia đặt vấn đề SCIC hiện giữ gần 70% phần vốn nhà nước nhưng suốt thời gian qua tổng công ty này chưa có động thái nào thể hiện vai trò tư cách của "người bố" khi người "con" gặp khó khăn. Ông Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM cho rằng đã đến lúc cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của SCIC. “Tôi cho rằng cần có một cơ chế riêng để siêu tổng công ty này phát huy vai trò cơ quan nắm giữ phần vốn nhà nước và có tiếng nói của mình”, ông nhấn mạnh.