Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vu lan từ trái tim

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Vu lan báo hiếu năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến cáo các chùa, cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa bảo đảm an toàn trong phòng bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho người dân, phật tử.

Cụ thể là tăng cường các khóa lễ Vu lan, cầu siêu cho cửu huyền thất tổ qua các ứng dụng trực tuyến... Tối 1/9 (tức 14 tháng 7 âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức lễ Vu lan trực tuyến từ 3 điểm cầu tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Giác Ngộ (TP Hồ Chí Minh) và Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên).
Như vậy có thể hiểu rằng, mùa Vu lan năm nay được tiến hành trang trọng, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, sự thành kính với tổ tiên và bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng - Tổng Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, giáo lý nhà Phật luôn đề cao vai trò của chữ “hiếu”. Trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, chữ “hiếu” cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Có lẽ cũng bởi vậy mà Vu lan báo hiếu được coi là một trong 2 ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo và là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc.
“Hiếu” là sự tận tụy chăm sóc, tôn kính bằng cả tấm lòng, dành những gì tốt đẹp nhất có thể của những người con, nhằm đền đáp công ơn trời biển của ông bà, cha, mẹ. Nói một cách đơn giản, Vu lan báo hiếu là đền đáp, tưởng nhớ đến công dưỡng dục, sinh thành của ông bà, cha mẹ. Mà báo hiếu, có lẽ không gì bằng sống thiện, sống tốt để cha mẹ ông bà có thể vui lòng khi còn sống và ngậm cười nơi chín suối nếu đã khuất núi. Việc báo hiếu với ông bà, cha, mẹ không chỉ dừng ở một lễ Vu lan mà là bổn phận, là trách nhiệm, đạo lý mà mỗi người làm con phải ghi nhớ, thực hiện suốt đời.
Ở Việt Nam ta, lễ Vu lan báo hiếu và lễ xá tội vong nhân đều được thực hiện trong dịp Rằm tháng bảy. Mặc dù có nét khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc và nhiều khi hai lễ này được hòa vào làm một. Mục đích của cả 2 khóa lễ đều thể hiện sự nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng. Xét dưới góc độ nào đó cũng là để bày tỏ tấm lòng tri ân với những người đã hi sinh vì dân, vì nước.
Dù với ý nghĩa, mục đích nào, ngày lễ Vu lan đều mang tính hướng thiện, xuất phát từ cái tâm hướng đến những việc làm tốt đẹp, là những suy nghĩ việc làm xuất phát từ trái tim. Và đã như vậy, thì dù được thực hiện với hình thức nào, trực tiếp hay trực tuyến cũng không mấy quan trọng. Những tình cảm tốt đẹp như báo hiếu, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và tri ân những người có công với đất nước, giống nòi, siêu độ cho thập loại chúng sinh… một khi xuất phát từ trái tim, chắc chắn nó sẽ được cảm nhận, thấu hiểu!
Từ đề xuất của Giáo hội Phật giáo tiến hành lễ các hoạt động nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu qua các ứng dụng trực tuyến, mong rằng sẽ hình thành một nếp đẹp trong cách nghĩ, cách làm mỗi mùa Vu lan. Đó là không cần lễ lạt to tát với mâm cao cỗ đầy hay vàng mã tốn kém. Không cần khoa trương, hình thức mà chỉ bằng những suy nghĩ, việc làm hướng về ông bà, cha mẹ, tổ tiên rất cụ thể.
Chẳng hạn, với mùa Vu lan năm nay, mỗi người dân, phật tử hãy thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hy vọng, với cách nghĩ, cách làm trên, sẽ có một mùa Vu lan báo hiếu, một ngày lễ Vu lan thật trang trọng, ấm áp từ mỗi gia đình và trong tấm lòng mỗi người tưởng nhớ về cha mẹ, ông bà cùng các bậc tiền nhân.