Vụ lừa đảo của Liên kết Việt: Hơn 60.000 người “sập bẫy”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ án lừa đảo của “tập đoàn đa cấp” Liên kết Việt, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an cho biết, đã xác định có hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, thành bị lừa đảo số tiền trên 1.900 tỷ đồng, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định ủy thác điều tra cho cơ quan điều tra nơi Liên kết Việt mở chi nhánh, văn phòng đại diện… để tiếp nhận đơn tố cáo và tiến hành điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng.

Hợp tác để... lừa đảo

Như trước đó báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, ngày 19/2, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Xuân Giang (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) và Nguyễn Thị Thủy (trú tại quận Thanh Xuân) - Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt cùng 5 đồng phạm về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Đại tá “rởm” Lê Xuân Giang và bị can Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Đại tá “rởm” Lê Xuân Giang và bị can Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp)
Theo Cơ quan CSĐT, cầm đầu vụ án lừa đảo hàng ngàn người tại Liên kết Việt là Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà, 45 tuổi, quê ở Văn Giang, Hưng Yên). Năm 1991, Giang nhập ngũ, sau đó đi học Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật và dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2011, Giang xuất ngũ với cấp bậc chuẩn úy, đi làm cho nhiều công ty tư nhân. Năm 2005, Giang thành lập Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP, sau đó thành lập thêm Công ty Quốc tế Hưng Việt. Ban đầu, các công ty trên sản xuất một số mặt hàng thiết bị điện, sau chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng. Tiếp đó, Giang cùng đồng bọn đưa thực phẩm chức năng ra làm hàng hóa kinh doanh đa cấp. Đáng chú ý, để tạo vỏ bọc Giang luôn khoác trên mình quân phục mang quân hàm đại tá. Giang cùng các đối tượng còn tự nhận Liên kết Việt trực thuộc Bộ Quốc phòng, làm giả quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ.

Bị can Nguyễn Thị Thủy (46 tuổi, ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) - Phó Tổng giám đốc Liên kết Việt không có bằng cấp gì về lĩnh vực kinh doanh. Theo Cơ quan điều tra, trước khi bị bắt, Thủy sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thủy đã học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do để kiếm sống. Suốt từ năm 16 - 40 tuổi, bị can này đã kinh qua nhiều nghề nghiệp như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng ở quận Cầu Giấy nhưng đều không ổn định. Thủy đăng ký học một lớp đào tạo về đa cấp để lấy chứng chỉ (diễn ra trong 3 ngày), sau đó tìm đến Giang để thỏa thuận phương thức làm việc, hợp tác để cùng thực hiện hành vi… lừa đảo.

Ủy thác điều tra

Trao đổi với báo chí, Đại tá Trần Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an cho biết: Khi khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra xác định có khoảng 45.000 nạn nhân nhưng sau đó, con số tăng lên rất nhanh, hiện giờ đã là 60.000 nạn nhân và chưa dừng lại ở đó; số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỷ đồng. Người bị lừa ít nhất là 8,6 triệu đồng nhưng cũng có không ít người bị lừa lên tới 5 - 6 tỷ đồng... Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can Giang cùng 6 đồng phạm, Cơ quan CSĐT đã phong tỏa tài khoản, thu giữ hơn 134 tỷ đồng, 16 máy vi tính, cùng toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến hành vi lừa đảo của Liên Kết Việt.

Theo Cơ quan CSĐT, vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” do Giang cầm đầu xảy ra trong một thời gian ngắn (khoảng từ tháng 6/2014 - 7/2015) nhưng có tính chất rất phức tạp, quy mô rộng khắp 27 tỉnh, thành trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội. Các đối tượng có hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới, công khai trắng trợn tổ chức và tuyên truyền sai sự thật, khiến khoảng 60.000 người bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên kết Việt và bị chiếm đoạt gần 2.000 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT cho rằng, con số bị hại đến nay mới chỉ ước tính, chưa phải con số cuối cùng vì cơ quan công an vẫn đang kêu gọi các nạn nhân đến trình báo. Do số bị hại quá lớn nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan CSĐT tại các tỉnh, thành nơi Liên kết Việt mở chi nhánh và văn phòng đại diện. Các nạn nhân trong vụ lừa đảo liên quan đến Liên kết Việt có thể đến phòng cảnh sát kinh tế thuộc công an tại các địa phương để trình báo.

Các DN kinh doanh đa cấp "làm xiếc" như thế nào nhằm lừa đảo người dân... sẽ được báo Kinh tế & Đô thị làm rõ trong chuyên mục Hành trình phá án số báo ra ngày mai (27/2).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần