Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ nâng điểm hơn 330 bài thi ở Hà Giang: Đã đủ điều kiện khởi tố vụ án?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là khẳng định của nhiều luật sư về vụ việc gian lận, nâng điểm 330 bài thi trong kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.

Khởi tố cả những ai chỉ đạo nâng điểm
Luật sư Nguyễn Minh Cảnh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “Vụ nâng khống điểm đối với hơn 330 bài thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 xảy ra ở tỉnh Hà Giang đã có dấu hiệu của tội “Giả mạo trong công tác” được quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức án cao nhất của tội danh này là 20 năm tù”.
 
“Vụ gian lận trong thi cử lần này lên tới hơn 330 bài thi, thì khó có thể nói chỉ có một cá nhân tham gia sửa điểm. Do đó cần tiến hành điều tra làm rõ hành vi này có tổ chức hay không? Những ai tham gia chỉ đạo sửa, nâng điểm thi?”, luật sư Nguyễn Minh Cảnh, nhận định.
Đồng quan điểm với luật sư Cảnh là luật sư Dương Vĩnh Tuyến, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, nói: “Trong vụ việc này, cần phải khởi tố để lấy lại niềm tin của người dân. Cụ thể đối với những ai trực tiếp nâng, sửa điểm thi của hơn 330 bài thi thì cần khởi tố theo điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015”. Còn đối với “những ai đó” can thiệp hoặc chỉ đạo sửa, nâng điểm thi cũng cần khởi tố tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo điều 358 Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Từ 1 điểm biến hóa thành… 9 điểm!
Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, vào ngày 11/7, khi kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 được công bố trên cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) các tỉnh, thành phố và trên các báo, đài thì phát hiện bất thường về điểm thi của một số thí sinh tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang kiểm tra, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo bằng văn bản về Ban Chỉ đạo thi quốc gia.
Sau khi nhận được báo cáo của Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang, Bộ GD-ĐT quyết định thành lập Tổ công tác để xác minh. Qua đó cho thấy có dấu hiệu nâng, sửa kết quả điểm thi của hơn 330 thí sinh.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm công bố là 9 điểm). Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm). Có 56 bài thi môn Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75 điểm; đã công bố là 9,5 điểm). Có 8 bài thi môn Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75 điểm; đã công bố là 9 điểm). Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5 điểm; đã công bố là 9,75 điểm). Có 3 bài thi Địa lý đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0 điểm; đã công bố là 9 điểm). Đối với môn thi tiếng Anh, có 52 bài thi đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2 điểm; đã công bố là 9 điểm).
Tăng đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định!
Có tất cả 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cũng theo kết quả chấm thẩm định, có một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn Giáo dục Công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.