Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ người dân đòi đất dịch vụ xây dựng cụm công nghiệp Thanh Oai: Huyện khẳng định không có cơ sở

Bài, ảnh: Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục những ngày gần đây, người dân xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tập trung đông người phong tỏa cổng ra vào cụm công nghiệp (CCN) Thanh Oai, làm ảnh hưởng đến sản xuất của DN chỉ vì việc đòi đất dịch vụ. Để rộng đường công luận, phóng viên đã làm việc với chính quyền các cấp huyện Thanh Oai…

Thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp trên địa bàn tại điểm công nghiệp Bích Hòa, được sự thống nhất của UBND và người dân xã Bích Hòa, năm 2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cùng UBND huyện ban hành quyết định thu hồi 131.268,5m2 đất (trong đó có 74.151m2 đất của 327 hộ dân) để thực hiện 10 dự án (DA) của DN thuê đất thời hạn 20 - 50 năm. Qua đó, ngày 6/5/2003, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 563/2003/QĐ-UB quy định khung giá bồi thường và chính sách hỗ trợ khi thực hiện DA. Cùng với đó, UBND huyện ban hành Quyết định số 485-QĐ/UB ngày 16/7/2003 phê duyệt khung giá bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp.
 Việc người dân xã Bích Hòa tập trung đông người cản trở sản xuất của DN trong Cụm Công nghiệp Thanh Oai thời gian vừa qua là vi phạm pháp luật.
Qua tìm hiểu được biết, việc các hộ dân nhận tiền bồi thường hỗ trợ và ký nhận bàn giao đất thực hiện các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh và UBND huyện là đền bù một lần, không phải đền bù đất, hoa màu đến năm 2013. Đặc biệt, tại thời điểm thu hồi đất năm 2003 không có quy định của cơ quan Nhà nước về việc giao đất dịch vụ cho người có đất nông nghiệp khi thực hiện quyết định thu hồi đất. Do vậy, một số hộ dân cho rằng đền bù đất đai chỉ tính đến năm 2013 rồi sau đó phải trả lại mặt bằng hoặc trả đất dịch vụ 10% là không đúng quy định của pháp luật.
Ngày 1/11/2005, UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục có Quyết định số 1579/QĐ-UBND về việc thu hồi 865.306m2 đất nông nghiệp của quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, trong đó có xã Bích Hòa giao cho Công ty COMA 18 thực hiện DA đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Thanh Oai. Qua đó, Hội đồng đền bù GPMB phối hợp với UBND xã cùng các thôn thực hiện kê khai kiểm đếm tới các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi, tổng hợp danh sách, niêm yết công khai.
Trên cơ sở đó, ngày 20/2/2006 UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 289/2006/QĐ-UBND về việc bồi thường khi thu hồi đất, Hội đồng GPMB lập dự thảo phương án, công khai tại UBND xã và các thôn lấy ý kiến. Tiếp đó, Hội đồng GPMB hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 977/QĐ-UBND phê duyệt phương án và dự toán kinh phí bồi thường GPMB mở rộng điểm công nghiệp Bích Hòa thành CCN Thanh Oai. Và từ ngày 29/6 - 7/9/2006 có 1.011 hộ dân đã nhận tiền đến bù GPMB và giao 347.000m2 đất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, sau nhiều lần đề nghị, ngày 19/6/2008 UBND tỉnh Hà Tây có Văn bản số 2891/UBND-KT chấp nhận danh mục đầu tư xây dựng CCN Thanh Oai được thực hiện theo cơ chế giao đất dịch vụ theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh khi Nhà nước thu hồi đất.
Nội dung văn bản nêu: UBND tỉnh chấp thuận đề nghị của UBND huyện về việc thực hiện cơ chế giao đất dịch vụ cho người dân có đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi từ thời điểm Quyết định số 1537/2005/QĐ-UBND ngày 25/10/2005 của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của UBND tỉnh về giao đất dịch vụ đối với DA đầu tư xây dựng CCN Thanh Oai được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 9/5/2008.
“Do vậy, việc người dân đòi đất dịch vụ 10% không tính trên hay dưới 30% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi năm 2006 là không có cơ sở giải quyết. Mặc dù, UBND huyện đã vận động, tuyên truyền, đối thoại và ban hành Thông báo số 488/TB-UBND trả lời kiến nghị, nhưng người dân không đồng ý và đã có hành động quá khích như những ngày qua làm ảnh hưởng đến sản xuất của DN trong CCN Thanh Oai là vi phạm pháp luật” - ông Khiển nói.