Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ nổ trạm biến áp ở Hà Đông: Điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ nổ Trạm biến áp ở Hà Đông, lực lượng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hà Đông đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo đó, sáng 18/11, Công an quận Hà Đông và các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã tiến hành phong tỏa hiện trường vụ nổ Trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 (thuộc phường Nguyễn Trãi) để phục vụ công tác khám nghiệm. Công an TP đã gửi mẫu giám định đến Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra vụ nổ.
Sau gần một ngày được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia, ông Vũ Đình Thái (63 tuổi, người ngồi xe lăn), một trong 5 nạn nhân vụ nổ bốt điện đã tử vong sáng 18/11. 2 nạn nhân bị bỏng tới 80% cơ thể là bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, chủ quán trà đá, vợ ông Thái), anh Đinh Ngọc Long (45 tuổi) đang được điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia. 2 nạn nhân bị nhẹ là anh Nguyễn Mạnh Cường (38 tuổi) và anh Nguyễn Đắc Sơn (34 tuổi) bị bỏng 12%.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội xác định, nguyên nhân ban đầu xảy ra sự vụ là do trong quá trình dòng điện vận hành không tải trước khi đưa vào vận hành chính thức, máy biến áp bất ngờ tràn dầu gây ra cháy... Theo báo cáo của Điện lực Hà Đông, Trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 có công suất 400kVA-22/0,4KV thuộc Dự án Xây dựng mới các trạm biến áp trên địa bàn quận Hà Đông năm 2016 với mục đích đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trong khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Lợi, quận Hà Đông. Vào hồi 10 giờ 30 phút ngày 17/11, Công ty Điện lực Hà Đông đã tổ chức nghiệm thu Trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 và tất cả hạng mục công việc đều đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vào sử dụng. Vào hồi 13 giờ ngày 17/11, Công ty Điện lực Hà Đông đã thực hiện đóng điện không mang tải trạm biến áp theo đúng quy trình. Đến thời điểm 14 giờ 45 phút ngày 17/11 thì bất ngờ xảy ra cháy nổ.
Đề cập đến trách nhiệm trong vụ nổ trạm biến áp khiến 1 người tử vong, 4 người bị thương, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Trách nhiệm trước tiên thuộc về Điện lực Hà Đông dù sự việc xảy ra do chủ quan hay khách quan. Luật sư Thơm viện dẫn Điều 623 Bộ luật Dân sư 2005 quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, “chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Công ty Điện lực Hà Đông sẽ không phải đền bù nếu sự việc xảy ra trong các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì chủ sở hữu mới không phải đền bù.
Về việc cần khởi tố vụ án hay không, Luật sư Thơm cho rằng, trước tiên cần điều tra, làm rõ sự việc xảy ra là do lỗi ở khâu nào. Nếu kết quả khám nghiệm cho thấy có dấu hiệu vi phạm như lỗi do nhà sản xuất, lỗi trong quá trình vận hành, lắp đặt, lỗi do buông lỏng quản lý... thì khi đó mới có cơ sở để đưa ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an quận Hà Đông cho hay, hiện cơ quan này đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng khám nghiệm, điều tra làm rõ sự việc. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật nếu kết quả điều tra phát hiện có sai phạm.