Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu: Viwasupco phải chịu trách nhiệm chính

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nhà máy nước sông Đà là “bị hại” bởi chính nguồn gây ra ô nhiễm không phải là nhà máy nước, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước ô nhiễm cho Nhân dân".

Đó là ý kiến của PGS.TS Ứng Quốc Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng đưa ra tại buổi tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” do Tạp chí Môi trường và Đô thị tổ chức ngày 23/10.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu khẳng định, vụ nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu là sự cố rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô. Sự cố trên không chỉ là bài học cho Hà Nội, Hòa Bình, mà là bài học chung cho các địa phương trong cả nước trong việc tham tra, kiểm tra, giám sát các DN kinh doanh nước sạch.
Bởi thực tế cho thấy, DN nào cũng hoạt động vì lợi nhuận, nhưng chạy theo lợi nhuận để bất chấp pháp luật, kinh doanh không có đạo đức, thì cái giá phải trả rất đắt, không chỉ là sự tồn tại của DN, mà là sự an toàn của người dân.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, về chức năng quản lý Nhà nước, trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ.
Cụ thể, theo Nghị định 117, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, Bộ KH&ĐT, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn…
Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT, ngoài ra các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, nước… Và trong sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu, UBND địa phương phải chịu trách nhiệm liên đới, DN cung cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp.
 PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Ứng Quốc Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh, trong vụ việc này, nhà máy nước sông Đà cũng là bị hại bởi chính nguồn gây ra ô nhiễm không phải là nhà máy nước, nhưng Nhà máy nước sạch sông Đà cũng phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước ô nhiễm cho Nhân dân.
Sự việc đã xảy ra rồi, người ta nói đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, tuy nhiên, chúng ta phải làm "chuồng" nhanh chóng để không mất thêm những lần nữa. Theo lý giải của ông Dũng, ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, lớp lang… nhưng, hiện chúng ta chưa làm được vấn đề này.
Từ những thực tế trên, các đại biểu cho rằng, hiện nay Nhà nước đang khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, tuy nhiên, đưa tư nhân vào ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Bởi, nước là an ninh Quốc gia, an toàn cho tất cả người dân.