Vụ nuôi nhầm con 42 năm: Đã có kết quả xét nghiệm ADN đầu tiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vụ việc trao nhầm con 42 năm trước tại nhà hộ sinh Ba Đình, một người phụ...

Kinhtedothi - Xung quanh vụ việc trao nhầm con 42 năm trước tại nhà hộ sinh Ba Đình, một người phụ nữ tên là Đặng Thị Dần ở Gia Lâm (Hà Nội) có trùng ngày sinh và địa điểm sinh với chị Tạ Thị Thu Trang (người con bị nhận nhầm) đã tìm đến gia đình chị Trang và đề nghị được xét nghiệm ADN.

Tuy nhiên, đến trưa ngày 15/3, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội đã có kết quả, các mẫu thử không cùng huyết thống. Chị Trang không phải là người thân của gia đình chị Dần và chị Dần chính là con đẻ của bố mẹ hiện tại.
Chị Tạ Thị Thu Trang cho biết dù hụt hẫng nhưng chị sẽ không bỏ cuộc
Chị Tạ Thị Thu Trang cho biết dù hụt hẫng nhưng chị sẽ không bỏ cuộc
Trước đó, ngày 14/3, Sở Y tế Hà Nội đã đã tổ chức họp nghe báo cáo của các bên liên quan để tìm giải pháp nhằm tìm lại người thân ruột thịt cho 2 gia đình bị nhầm con trên địa bàn TP là gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (mẹ chị Trang) và gia đình chị Lê Thanh Hiền (Triều Khúc, Thanh Trì). Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế quận Ba Đình và Trung tâm Y tế quận Đống Đa tiếp tục rà soát một lần nữa hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó cố gắng nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian với bà Hạnh và mẹ chị Hiền. 

Theo đó, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ: Năm 2013, khi Trung tâm Y tế quận Đống Đa báo cáo về trường hợp của chị Lê Thanh Hiền và tháng 10/2015 khi nhận được đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Sở Y tế HN chỉ đạo các đơn vị động viên, chia sẻ và tra cứu hồ sơ lưu trữ cũng như liên hệ với các cán bộ y tế làm việc tại nhà hộ sinh trong thời gian đó giúp bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Lê Thanh Hiền có thông tin liên quan tới việc tìm kiếm “con đẻ”, “mẹ đẻ”.

Ngày 10/3/2016, Sở Y tế có văn bản số 908/BC-SYT báo cáo Bộ Y tế và UBND thành phố về trường hợp “nhầm con” của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh. Ngày 14/3/2016, Sở Y tế HN tổ chức cuộc họp nghe Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Trung tâm y tế quận Ba Đình, thanh tra Sở, các phòng, đơn vị chức năng báo cáo quá trình tiếp nhận, giải quyết đề nghị của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, chị Lê Thanh Hiền, và đề xuất việc giúp bà Hạnh, chị Hiền tìm “con đẻ”, “mẹ đẻ”. 

Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đề xuất, Sở Y tế chỉ đạo: Đây là trường hợp hy hữu xảy ra đã lâu (42 năm và 29 năm), việc tìm thông tin, manh mối rất khó, vì: Nhà hộ sinh Ba Đình không còn hồ sơ (Hết thời hạn lưu trữ theo luật định); Nhà hộ sinh Đống Đa còn lưu sổ đẻ nhưng việc tìm thông tin về những bà mẹ sinh con trong cùng khoảng thời gian rất khó (Do thay đổi nơi sinh sống), nếu có tìm thấy cũng phải được họ đồng ý hợp tác; Cán bộ y tế làm việc tại Nhà hộ sinh thời gian trước đã mất hoặc không nhớ được thông tin gợi ý cho việc tìm kiếm.

Tuy nhiên, với tinh thần chia sẻ cũng như thể hiện tính nhân văn trong giải quyết đề nghị của bà Hạnh và chị Hiền, Sở Y tế yêu cầu: Trung tâm Y tế quận Ba Đình và trung tâm y tế quận Đống Đa tiếp tục rà soát một lần nữa hồ sơ lưu trữ, động viên cán bộ y tế thời kỳ đó cố gắng nhớ lại thông tin liên quan về những trường hợp sinh đẻ cùng thời gian với bà Hạnh và mẹ chị Hiền. 

Báo cáo sự việc xin kiến chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa, và đề nghị Công an quận Ba Đình, Công an quận Đống Đa tra cứu thông tin từ hồ sơ lưu trữ về hộ tịch giúp bà Hạnh, chị Hiền trong quá trình tìm kiếm. Việc cung cấp thông tin giúp bà Hạnh tìm con đẻ, chị Hiền tìm mẹ đẻ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của bà Hạnh, chị Hiền nhưng không làm ảnh hưởng tới quyền nhân thân của người khác. 

Thanh tra Sở và các phòng chức năng có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn Trung tâm Y tế quận Ba Đình và Trung tâm tế quận Đống Đa trong việc giúp đỡ bà Hạnh, chị Hiền tìm con đẻ và mẹ đẻ của mình.

Về phía Trung tâm Y tế quận Ba Đình, ông Phạm Hữu Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế cho biết, từ năm 1974 đến nay nhà hộ sinh quận Ba Đình sau nhiều lần đổi địa điểm, nay đã chuyển về số 12 Lê Trực. Thời gian đó đất nước chiến tranh, còn nhiều khó khăn, sổ sách thất lạc, những người đã làm ở ca trực thời gian đó cũng đã chuyển công tác, có người đã tuổi cao và qua đời nên chúng tôi chưa tìm được manh mối nào.

Về trường hợp của chị Lê Thanh Hiền, Ths. BS Trịnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để nỗ lực hỗ trợ chị Lê Thanh Hiền tìm kiếm thông tin về gia đình lưu lạc của mình.