Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng “phá hỏng” nỗ lực đối thoại hạt nhân?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên diễn ra ngay sau cuộc gặp ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ bàn về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/10 đưa tin Viện hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Theo KCNA, SLBM kiểu mới được phóng từ cùng tàu ngầm "8.24 Yongung" đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ tàu ngầm đầu tiên cách đây 5 năm.
 KCNA ngày 20/10 đưa tin Viện hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ảnh: Yonhap
Trước đó, hôm 19/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm ngắn được cho là SLBM từ khu vực lân cận Sinpo, nơi có xưởng đóng tàu ngầm chính của Bình Nhưỡng. Đây là vụ thử vũ khí thứ 8 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay và là vụ thử SLBM lần đầu tiên sau 2 năm.
Triều Tiên đã đưa ra những thông điệp khó đoán định trong thời gian gần đây khi liên tục phóng thử tên lửa, song cũng phát tín hiệu để ngỏ cánh cửa đối thoại về vấn đề hạt nhân với Mỹ và Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nỗ lực nhằm đạt bước đột phá trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon tuyên bố rằng ông sẽ không từ bỏ các nỗ lực nối lại đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 5/2022. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) vào tháng 9, Tổng thống Moon đã đề xuất tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Về phần Triều Tiên, bà Kim Yo-jong, em gái Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng đề nghị tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên của Tổng thống Moon là "một ý tưởng thú vị và đáng ngưỡng mộ". Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã gửi tín hiệu tích cực đến chính quyền Tổng thống Moon, làm dấy lên hy vọng về  khả năng cải thiện quan hệ liên Triều.
Vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra ngay sau cuộc gặp ba bên giữa các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được tổ chức vào ngày thứ Hai (giờ Mỹ) tại Washington.
Tại Washington, Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk cũng đã gặp Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim thảo luận về giải pháp đưa Triều Tiên quay lại bàn đàm phán về hạt nhân.
Trong cuộc gặp với ông Noh, Đặc phái viên Sung Kim tái khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng, song lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên thực hiện các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 19/10 thông báo Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim sẽ đến Seoul vào cuối tuần này để thảo luận với đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk về các biện pháp nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. Theo một số nguồn tin, ông Sung Kim sẽ đến Seoul vào ngày 22/10 trong chuyến công du kéo dài 3 ngày.
Cùng ngày, ông Suh Hoon - Giám đốc phụ trách an ninh quốc gia Hàn Quốc nói rằng Seoul "lấy làm tiếc" về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đối thoại về vấn đề hạt nhân.
Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang thể hiện quyết tâm đẩy mạnh phát triển vũ khí, và dự đoán Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm nhiều vụ thử tên lửa hơn trong những tháng tới. "Triều Tiên dự kiến ​​sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa vào cuối năm nay để hoàn thành việc phát triển các loại vũ khí mới và phô diễn sức mạnh quân sự với cộng đồng quốc tế và người dân. Triều Tiên có thể không tiến hành các vụ thử tên lửa vào thời điểm Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic mùa đông vào tháng 2/2022, điều này có nghĩa là họ sẽ tiến hành nhiều vụ thử vũ khí mới nhất trước thời điểm đó" - Cheong Seong-chang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Sejong, cho hay.
Trong khi đó, một số các chuyên gia khác nhận định rằng tình trạng kinh tế ngày càng khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 có thể buộc Triều Tiên nối lại đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc, nhất là khi Bình Nhưỡng đang mong muốn sớm phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, họ lo ngại rằng việc liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng có thể ảnh hưởng đến triển vọng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. "Hàng loạt các cuộc gặp giữa các đặc phái viên hạt nhân và các quan chức tình báo cho thấy chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang nỗ lực nhằm đạt bước đột phá trong cải thiện quan hệ liên Triều trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2022", giáo sư Lee Shin-hwa tại trường Đại học Hàn Quốc nhận xét. "Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kỳ vọng sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhân dịp dự Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022, song triển vọng này vẫn chưa chắc chắn"./.