Tuy nhiên, từ đó đến nay, vi phạm không những không thuyên giảm, mà còn xảy ra tràn lan hơn.
Thách thức công luận
Đầu tháng 4, phóng viên trở lại khu vực ao, hồ và các xứ đồng của xã Vĩnh Ngọc nhận thấy hiện trạng vi phạm ở thôn Vĩnh Thanh gồm có ao các Cụ rộng gần 1.000m2, đã được san lấp xong, rồi đổ bê tông làm nơi đỗ xe ô tô. Hàng trăm mét vuông ao Tháp gần chùa Khánh Long tiếp tục bị san lấp. Còn tại khu vực ruộng ven đê tả Hồng cũng nằm trong tình trạng tương tự. Nghiêm trọng hơn phải kể đến vi phạm của ông Hoàng Kim Hùng, thôn Phương Trạch, nằm ở vị trí “đắc địa” ven đường 6 cây.
Qua tìm hiểu được biết, mặc dù ngày 6/11/2015, UBND xã Vĩnh Ngọc đã có Quyết định số 356/QĐ-CTUB xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí sau đó đã tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm của ông Hoàng Kim Hùng ở xứ đồng Đấu Bát, nhưng do không quyết liệt nên gần đây ông Hùng cố tình tái phạm san lấp thêm hàng 1.000m2 đất nông nghiệp rồi trồng cây lâu năm. Cách vị trí vi phạm của ông Hùng khoảng 300m là gần 10.000m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng Bờ Dưa do UBND xã quản lý đang được Công ty Sông Hồng “rầm rộ” tổ chức san lấp, rồi rào tôn xung quanh. Liền kề với đó còn có trạm trộn bê tông và nhà xưởng của Công ty Sông Hồng đã hoạt động trái phép gần 2 năm qua trên đất nông nghiệp đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường nhưng không bị xử lý.
Sau khi đăng tải bài “San lấp trái phép hàng ngàn mét vuông đất tại xã Vĩnh Ngọc”, ngày 10/12/2015, Văn phòng UBND TP có Văn bản số 8529/VP-TNMT yêu cầu UBND huyện Đông Anh kiểm tra nội dung báo Kinh tế & Đô thị phản ánh vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất đai tại xã Vĩnh Ngọc. Tuy nhiên sau đó, UBND huyện Đông Anh và UBND xã Vĩnh Ngọc cũng đã vào cuộc nhưng chỉ xử lý “trên giấy” để cho có.
Sẽ tổ chức cưỡng chế
Lý giải cho hàng loạt vi phạm cũ và mới chưa bị xử lý, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc Trần Thế Huy cho rằng, do đất đai của địa phương rộng và có nhiều tuyến đường lớn thuận tiện cho các trường hợp vi phạm đi lại đổ trộm đất, phế thải xây dựng vào các ao, hồ. Mặt khác, do lực lượng mỏng, địa phương ở xa trung tâm huyện hơn 10km nên các cơ quan chuyên môn khi cần hỗ trợ xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do cuối năm 2015, UBND xã tổ chức cưỡng chế không dứt điểm nên mới xảy ra tái phạm và có thêm một số trường hợp như Công ty Sông Hồng ngang nhiên vi phạm mới chứ không có chuyện UBND xã dung túng cho vi phạm. “UBND xã đang tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm tự tháo dỡ công trình. Nếu không chấp hành, UBND xã sẽ hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch cưỡng chế vào giữa tháng 4 này”- ông Huy nói.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến thừa nhận: “Cuối năm 2015, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo UBND Vĩnh Ngọc xử lý dứt điểm vi phạm, trong đó có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn huyện. Nhưng, do chưa làm hết trách nhiệm nên mới để xảy ra tái phạm, thậm chí vi phạm mới xuất hiện gây bức xúc cho dư luận. Như vậy, có phần trách nhiệm của Phòng TN&MT. Còn đối với trạm trộn bê tông của Công ty Sông Hồng hoạt động trái phép, thời gian tới Phòng cũng sẽ đề xuất với UBND huyện cho thành lập đoàn thanh tra, làm rõ vi phạm rồi xử lý theo quy định”.
Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng khẳng định: “Ngày 4/4, UBND huyện đã có Văn bản số 264/TB-UBND xác định rõ vi phạm về đất đai, xây dựng cũ và mới xảy ra tại xã Vĩnh Ngọc chưa được xử lý triệt để. Do vậy, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm xong trước ngày 10/4. Trường hợp chưa thực hiện xong công việc được giao, Chủ tịch UBND xã, cán bộ phụ trách chuyên môn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, kiểm điểm trách nhiệm theo quy định. Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng, Công an huyện, Đội Thanh tra GTVT có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp, hướng dẫn UBND xã xử lý nghiêm vi phạm theo đúng thẩm quyền. Quan điểm của UBND huyện sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp tái phạm, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ có liên quan để làm gương”.
Ngày 3/4/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Văn bản số 1920/UBND-TH yêu cầu kiểm tra thông tin do Đài THVN phản ánh việc đổ phế thải lấn chiếm lấp ao, hồ trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc; Giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo Thành ủy và UBND TP trước ngày 12/4/2016. |
Công ty Sông Hồng vi phạm san lấp đất nông nghiệp để mở rộng nhà xưởng sản xuất bê tông. Ảnh: Nguyễn Trường
|
Trước 10/4 phải xử lý dứt điểm sai phạm Giải trình cụ thể về sai phạm san lấp trái phép tại xã Vĩnh Ngọc, giải trình tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết: Việc người dân tự ý san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại xã Vĩnh Ngọc đã được cơ quan chức năng xử lý từ năm 2015. Đây đều phần diện tích trũng, được xã Vĩnh Ngọc cho người dân thuê trước đó để canh tác. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc. Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã yêu cầu xã Vĩnh Ngọc và các đơn vị liên quan phải vào cuộc giải quyết ngay, trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế đã có từ năm 2015, không cần xây dựng kế hoạch mới. Trước 10/4, nếu sai phạm không được khắc phục, Chủ tịch UBND xã sẽ bị đình chỉ chức vụ để kiểm điểm trách nhiệm. Thường trực Huyện ủy cũng yêu cầu xã Vĩnh Ngọc phải chấm dứt, thanh lý ngay hợp đồng, thu hồi phần diện tích này, giao UBND xã quản lý. (Hải Dương) |