Vụ tham nhũng tại Agribank: Ngưng tuyên án, quay lại phần xét hỏi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/11, sau 10 ngày xét xử và theo dự kiến thì tòa sẽ tuyên án Vụ làm thất thoát gần 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh 6 (Agribank CN6), tuy nhiên HĐXX đã bất ngờ cho quay lại phần xét hỏi và tiến hành nghị án ngay trong ngày.

Tại tòa, Chủ tọa, thẩm phán Vũ Phi Long cho biết, HĐXX quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của ngân hàng Agribank Việt Nam, cũng như Agribank CN6 trong việc quyết định “nâng quyền phán quyết cho vay”. 

Theo Thẩm phán Long, trong diễn biến trước tòa những ngày qua thì các lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Agribank CN6 đều đã phải hầu tòa về trách nhiệm của mình trong việc tự “nâng quyền phán quyết cho vay” gần 700 tỷ đồng, đã gây hậu quả dẫn đến nhiều các sai phạm khác. 

Chủ tọa Vũ Phi Long đã triệu tập đại diện và nguyên lãnh đạo của Agribank Việt Nam để xét hỏi việc: Có hay không Agribank CN6 có gửi Tờ trình lên Agribank Việt Nam với nội dung xin được “nâng quyền phán quyết cho vay”? Trước khi chấp nhận nâng quyền phán quyết cho vay cho Agribank CN6 thì Agribank Việt Nam có thẩm định, kiểm tra lại đối tượng cho vay, đến tài sản thế chấp có đảm bảo an toàn hay không?
11 bị cáo trong vụ án được triệu tập tại tòa vào sáng 4-11
11 bị cáo trong vụ án được triệu tập tại tòa vào sáng 4/11
Trả lời HĐXX, ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng GĐ Agribank Việt Nam cho biết: Vào thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa quy định cụ thể về việc “nâng quyền phán quyết cho vay” nhưng có để ngỏ cho HĐQT các ngân hàng được phép tự quyết. Theo đó thì mức cho vay tối đa với một khách hàng là không được quá 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, trong bối cảnh NHNN không quy định thì Agribank Việt Nam phân cấp cho các chi nhánh chịu trách nhiệm.

Còn đại diện Agribank Việt Nam cho rằng, theo quy trình thì cơ quan này không phải chịu trách nhiệm, bởi vì để xảy ra việc thất thoát số tiền lớn là do Agribank CN6 là nơi thực hiện đánh giá, xem xét, xác định hồ sơ của khách hàng và đó phải là trách nhiệm của Agribank CN6.   

Trong phần tranh tụng về vấn đề trên, Luật sư Trương Thị Hòa có dẫn lại một số quy định pháp luật hiện hành cho thấy việc duyệt “quy
ền phán quyết cho vay” của Agribank Việt Nam chỉ là một văn bản cho phép hạn mức được phép cho vay. Còn cụ thể cho vay như thế nào, bao nhiêu tiền (không vượt quá 15% vốn điều lệ) thì do các chi nhánh chịu trách nhiệm thực hiện.

Luật sư Hòa cũng đề nghị được xét hỏi đối với thân chủ (đại diện Agribank Việt Nam) để chứng minh việc: Vào thời điểm xảy ra sự việc thì vốn điều lệ của Agribank lúc đó có hơn 20.000 tỷ và nếu tính hạn mức cho vay không quá 15% vốn điều lệ thì phải tương đương số tiền 3.000 tỷ. Do đó, khoản cho vay gần 700 tỷ đồng của Agribank CN6 là còn nằm trong hạn mức cho phép, tuân thủ khung pháp lý cho phép của Agribank lẫn quy định của NHNN.

Tranh luận tại tòa, đại diện Viện KSND cho rằng, do còn những vướng mắc về quy định “nâng quyền phán quyết cho vay” nên đề nghị HĐXX khi tuyên án cần có kiến nghị với NHNN trong việc hoàn thiện lại các quy định này để đảm bảo an toàn, cũng như tính pháp lý bảo đảm cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng. Trong đó, trường hợp nào được nâng quyền phán quyết cho vay thì phải có quy định cụ thể bằng định lượng để hạn chế sai phạm.

Do các bị cáo không cần xét hỏi lại nên HĐXX quyết định bỏ qua phần nói lời sau cùng và tiến hành nghị án từ chiều 4/11. Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa thông báo, vụ án sẽ được tuyên vào 15h chiều mai (5/11).