Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vũ Thị Kim Anh muốn quên quá khứ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhìn một Kim Anh bốc lửa khi biểu diễn trên sân khấu của trại giam, ít ai ngờ sau khoảnh khắc đó, cô phải trở lại buồng giam.

KTĐT - Nhìn một Kim Anh bốc lửa khi biểu diễn trên sân khấu của trại giam, ít ai ngờ sau khoảnh khắc đó, cô phải trở lại buồng giam. Khép mình trong 4 bức tường lạnh lẽo, buồn tẻ của một người tù.

"Mong mọi người tha thứ cho những bồng bột của em. Giờ em muốn được sống bình yên để làm lại cuộc đời”, nữ phạm nhân trong vụ án “cắt cổ người tình trên xe Lexus” tâm sự.

Chúng tôi gặp lại nữ phạm nhân “nổi tiếng” trong vụ án “cắt cổ người tình trên xe Lexus” tại trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) và không khỏi ngỡ ngàng trước nhan sắc của cô gái tuổi đôi mươi này sau một quãng thời gian khá dài trả giá vì tội ác của mình.

Không còn nữa hình ảnh của một nữ sinh với mái tóc xơ xác, dáng vẻ tàn tạ, khi bước ra từ giảng đường đại học tới vành móng ngựa, nữ phạm nhân này hiện là hạt nhân văn nghệ của trại Phú Sơn nhờ năng khiếu và kinh nghiệm tổ chức hoạt động phong trào.

Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại giam Phú Sơn 4 cho biết: “Kim Anh được chuyển từ trại giam số I (Công an Hà Nội), lên Phú Sơn từ tháng 5-2010. Trong thời gian qua, Kim Anh đã nỗ lực hết mình để chứng tỏ khả năng với công việc được giao. Ngoài việc tập những tiết mục văn nghệ để phục vụ biểu diễn văn hóa, văn nghệ ở các phân trại, Kim Anh còn tham gia cải tạo trong đội làm vàng mã và hoàn thành mức khoán được giao. Với ý thức cải tạo tốt, tôi tin Kim Anh sẽ được xem xét giảm án”.

Kim Anh được bố trí cải tạo, giam giữ tại Phân trại số I. Xuất hiện với khuôn mặt mộc, bộ quần áo kẻ sọc vừa vặn, nước da trắng trẻo, nhìn Kim Anh đẹp hơn khi ở trên sân khấu.

Thoáng chút ngại, nữ phạm nhân tâm sự: “Em thực sự muốn quên đi quá khứ, muốn sống một cuộc sống khác. Chấp nhận một cuộc sống bình yên trong trại giam là cả quá trình đấu tranh tư tưởng rất khó khăn. Lúc đầu, chuyện này dường như rất khó, nhưng sau này em đã quen rồi, mọi thứ đơn giản hơn chị ạ! Em cải tạo ở đội văn nghệ, bất cứ hoạt động phòng trào nào của trại em đều có mặt, nên thường xuất hiện nhiều trên báo.

Em muốn xem những ngày đã qua như là ác mộng. Có ân hận mấy đi nữa, thì cũng không thể làm khác được, chấp nhận thực tế để làm lại cuộc đời thôi. Em đau khổ đến mấy cũng không sao, nhưng bố, mẹ em thì khổ quá. Điều khiến em ân hận nhất, chính là việc em có lỗi với những đấng sinh thành. Em mong bố mẹ coi như em là đứa con đang đi xa. Và một ngày nào đó em trở về, có thể bắt tay để làm lại cuộc đời”.

Trong trò chuyện ngắn ngủi, Kim Anh đã khóc khi nhắc đến trường học, gia đình và bạn bè cũ. Nhiều bạn bè học cùng đến thăm cô ở trại giam, trở thành động lực lớn để động viên cô.

Kim Anh thổ lộ: “Cứ ngỡ là mọi người sẽ không tha thứ cho em được nữa. Với những gì em gây ra, thật khó để nhận được sự cảm thông của mọi người. Thực sự khi đã bình tâm lại, em mới thấu hiểu được thế nào là giá trị của một sự bình yên. Trước ngã rẽ cuộc đời, em đã không giữ được bản lĩnh của mình, dấn thân vào một cuộc tình sóng gió để rồi chuốc lấy bi kịch này”.

Ảnh minh họa

Phạm nhân Kim Anh trong một điệu nhảy.

Nhìn một Kim Anh bốc lửa khi biểu diễn trên sân khấu của trại giam, ít ai ngờ sau khoảnh khắc đó, cô phải trở lại buồng giam. Khép mình trong 4 bức tường lạnh lẽo, buồn tẻ của một người tù.

Lúc chia tay chúng tôi, Kim Anh tâm sự: “Em cũng giống như bao người trẻ khác, vì những phút giây lầm đường, lạc lối, đánh mất bản ngã của mình. Mọi chuyện đều có nguyên nhân và hậu quả. Em đã đánh mất tất cả tương lai tươi sáng của mình vì những quyết định sai lầm đó. Nhưng em muốn mọi người tin rằng em đã nhận ra và muốn vùi chôn quá khứ đầy lầm lỗi ấy… Mong mọi người hãy đón nhận, thứ tha cho những bồng bột của em. Giờ em muốn được sống bình yên để làm lại cuộc đời”.

Trước khi rời trại giam Phú Sơn 4, chúng tôi được xem những tiết mục văn nghệ do Kim Anh cùng các phạm nhân biểu diễn. Đây là hoạt động chào mừng Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Nhà nước trao tặng.