Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ tranh giả mạo chữ ký họa sĩ Vũ Giáng Hương: Thẩm định tranh bằng... mắt thường

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện bức tranh lụa chép lại từ bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Đông có đề tên cố họa sĩ Vũ Giáng Hương được Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn đưa ra đấu giá với mức khởi điểm 70 triệu đồng đã thổi bùng lên bức xúc trong giới họa sĩ.

Chiều 5/9, Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn đã tổ chức buổi họp báo có sự tham gia của các bên liên quan để “ba mặt một lời” về sự việc.

Lùm xùm chuyện chữ ký giả

Đầu tháng 7/2018, nhà sưu tầm Phạm Việt Phương (Tây Hồ, Hà Nội) gửi đến Nhà đấu giá Chọn một bức tranh lụa chân dung bé gái, tên tác phẩm là “Con gái nhà văn Dương Thu Hương”, tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ ký “g Hương 95”. Mức giá khởi điểm đấu giá là 3.000 USD. Ngày 29/7, sàn đấu giá Chọn đem bức tranh trên vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15 ở lot 21. Tuy nhiên, bức tranh không được giao dịch và đã được trả lại cho nhà sưu tầm Phạm Việt Phương.
Bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Đông vẽ từ tháng 1/2018 (bên phải), bức tranh của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương (bên trái).
Ngày 3/9, họa sĩ Nguyễn Văn Đông đã đăng đàn khẳng định bức tranh lot 21 trong phiên đấu giá số 15 không phải tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh. Khoảng 8 tháng trước, họa sĩ Nguyễn Văn Đông nhận lời vẽ một bức chân dung sơn dầu bé giái theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh (Hà Nội), nhân vật trong tác phẩm là bé Bảo Khánh. Vào tháng 4/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho phép một bạn sinh viên Bùi Thị Hằng - trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ sơn dầu sang lụa. Đến tháng 7/2018, họa sĩ Nguyễn Văn Đông phát hiện bức tranh chuyển thể được ký tên “g Hương 95” thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương và nằm trong danh sách đấu giá phiên số 15 tại đấu giá Chọn.

Sai là… bình thường

Tại buổi họp báo, họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết, ban đầu anh không định nói về chuyện này, nhưng vì danh dự của một người nghệ sĩ nên không thể im lặng. Bên cạnh đó, họa sĩ cũng cho biết thêm, con gái của cố họa sĩ Giáng Hương cũng hoàn toàn ủng hộ anh đi tìm sự thật vụ việc vì nhận định bức tranh được đấu giá không phải là tác phẩm của mẹ cô.

Giám đốc điều hành Nhà đấu giá Chọn Trần Quốc Hùng cho biết “Việc thẩm định các tác phẩm đấu giá hoàn toàn bằng mắt nhìn. Tuy nhiên, đơn vị đấu giá không thể cung cấp tên tuổi các thành viên của Hội đồng thẩm định vì đây là uy tín của cá nhân”. Cũng theo ông Hùng, trước khi đấu giá các tác phẩm được trưng bày tại Nhà đấu giá Chọn 7 ngày và đơn vị đã làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, việc sai sót là bình thường vì đây là tác phẩm của nhà sưu tầm. “Chúng tôi không thể nói 100% đây không phải là tranh của họa sĩ Giáng Hương” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, nhà sưu tập Phạm Việt Phương khẳng định, tác phẩm này thuộc sở hữu của ông từ nhiều năm nay. Nhưng khi được hỏi bằng chứng chứng minh đây là tác phẩm trên có phải của cố họa sĩ Giáng Hương thì ông Phương hoàn toàn không thể đưa ra giấy tờ cụ thể. Nhà sưu tập lý giải “Tôi thấy đẹp và thích thì mua. Khi người bán đề xuất giá hợp lý, tôi mua ngay và treo trong nhà. Vì giá bức tranh lúc đó quá rẻ nên tôi cũng không làm giấy tờ mua bán. Còn bức tranh là thật hay giả tôi nghĩ cần có sự thẩm định lại”.

Sau buổi họp báo, một câu hỏi chung được nhiều người có mặt tại cuộc họp đặt ra nếu giới họa sĩ không phát hiện, lên tiếng thì Nhà đấu giá Chọn có nhận ra khả năng thẩm định tranh thật – giả còn hạn chế hay không, nhưng không nhận được câu trả lời hợp lý. Đấu giá tranh là một lĩnh vực mới tại thị trường Việt Nam, chúng ta khuyến khích sự phát triển của loại hình này để nâng tầm giá trị mỹ thuật Việt. Tuy nhiên, không vì thế mà đồng tình cho những hành vi làm ăn gian dối, trục lợi và chối bỏ trách nhiệm.