Vụ trẻ bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành: Xử lý hình sự nếu có dấu hiệu phạm tội

Đông Phong - Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ cháu K. (sinh năm 2008) tạm trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, các đơn vị chức năng quận đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời tạo mọi điều kiện để cháu K. sớm ổn định tâm lý.

Quặn lòng lời kể của con trẻ
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc cháu K. bị bố đẻ là ông Trần Hoài Nam và mẹ kế là Phạm Thị Tú Trinh (cùng sinh năm 1983) bạo hành trong thời gian dài. Để tìm hiểu rõ sự việc tối 6/12, phóng viên tìm đến nhà tìm gặp mẹ ruột cháu K. (người bị bạo hành) là chị Nguyễn Thị N. ở Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để tìm hiểu sự việc. Khi gặp chị N., với gương mặt mệt mỏi, sau một ngày ở bệnh viện khám bệnh cho con rồi cùng cháu bé ra cơ quan công an để tường trình sự việc.
Chị N. cho biết, công an đã làm việc với chồng cũ của chị là Trần Hoài Nam, còn Trinh (mẹ kế cháu bé) hiện đã bỏ trốn khỏi Hà Nội. Đau xót trước sự việc xảy ra, chị N. chia sẻ, chị và gia đình không thể ngờ được con trai lại bị bố ruột và mẹ kế bạo hành dã man như vậy. “Lúc gặp con, thực sự tôi không nhận ra nổi cháu, một đứa trẻ gầy đen, ăn mặc nhếch nhác, người bị đánh đập dã man với những vết sẹo chi chít trên đầu và khắp người, răng thì bị gẫy... Thú thật, nhìn con lúc đấy đau xót lắm, tôi chỉ biết ôm con và hai mẹ con cùng khóc”- chị N cho biết.

Cháu K. bên vòng tay người thân.

Theo lời kể của cháu K., sau khi mẹ kế và bố đón ra ngoài thuê trọ sống, suốt 2 năm qua cháu không được đi học, phải làm tất cả mọi việc trong nhà. Thường thì cháu chỉ được ăn bánh mỳ khô, mỳ tôm sống và ăn cơm nguội, thực sự cháu rất đói. Đêm đến cháu chỉ được trải ga mỏng ngủ dưới nền gạch chứ không được vào phòng. Có những hôm K. bị mẹ kế dùng móc sắt đánh vào người, dùng muôi ăn lẩu đập vào đầu khiến chảy máu, thậm chí, còn bị bố ruột đạp vào mạn sườn rất mạnh… Đã nhiều lần cháu K. chạy trốn khỏi nhà nhưng bất thành. Và sau mỗi lần trốn chạy bất thành đó, cháu lại phải nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Sau khi cho con đi khám và chụp chiếu tại Bệnh viện E, chị N. càng thêm xót xa khi các bác sỹ xác định, cháu K. bị đa chấn thương vùng đầu, hàm, mắt, bụng. Chụp CT sọ não, X quang ngực, siêu âm ổ bụng thấy xương sườn 7, 8, 9 bên phải và 6, 7, 8 bên trái có đường nứt liên tục...

Tạo điều kiện chăm sóc cháu bé

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngoài chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, UBND quận Cầu Giấy sẽ tạo mọi điều kiện để cháu K. sớm ổn định tâm lý, đi học trở lại.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn A - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi đánh trẻ em gây thương tích, cho dù người gây ra là bố mẹ, người thân trong gia đình, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự như tội cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác… Theo điều 104 Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Điều 110 về tội hành hạ người khác quy định, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Sau khi nhân được thông tin phản ánh, phường Nghĩa Đô đã phối hợp với tổ dân phố, cộng tác viên trẻ em đến địa chỉ trên tiến hành tìm hiểu sự việc. Theo ý kiến trao đổi của tổ dân phố và những người xung quanh cùng hộ thuê trọ, vợ chồng ông Nam bà Trinh thường xuyên vắng nhà và sống khép kín nên không biết việc cháu K. bị bạo hành. Ngày 7/12, UBND phường và các ban ngành đoàn thể của phường đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy thăm hỏi cháu K. và có văn bản báo cáo UBND TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần