Đã có những bước đi đầu tiên
Trong khoảng gần 1 năm trở lại đây, với việc gã khổng lồ công nghệ Facebook đổi tên thành Meta, lĩnh vực vũ trụ ảo (Metaverse) đã trở nên rất "nóng" và được xác định là tương lai của Internet trong những năm sắp tới. Đây được xác định là công nghệ mang tính cách mạng khi hiện thức hóa việc đưa mọi hoạt động của xã hội lên mạng ảo nhằm tăng cường tính kết nối.
Thông qua các thiết bị thực tế ảo VR, người dùng có thể có những trải nghiệm rất chân thật ở mọi lĩnh vực từ giải trí, kinh doanh, du lịch, mua sắm… như ở thế giới thực nhưng nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều nhờ mọi thứ đều được thực hiện qua một thế giới ảo, nơi mà các bên tham gia đều là thật.
Với tiềm năng rất lớn, tổng giá trị thị trường của Metaverse đã đạt xấp xỉ 500 tỷ USD trong năm 2020 và có thể lên tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Theo thống kê, số lượng người dùng tham gia vào các nền tảng vũ trụ ảo, tính đến hết tháng 3/2022 đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020 và lượng người dùng các thiết bị thực tế ảo đã đạt hơn 28 triệu người. Đây là những con số đầy hứa hẹn rằng Metaverse sẽ tạo ra sự bùng nổ không chỉ về công nghệ mà còn tạo ra tác động lớn tới nền kinh tế thực.
Nhìn nhận Metaverse sẽ sớm là xu thế chung của Internet, ngay từ bây giờ, nhiều tên tuổi lớn trên thế giới, trải dài ở nhiều lĩnh vực cũng đã tham gia vào vũ trụ ảo này. Có thể kể đến như: Tập đoàn phần mềm Microsoft, Tổ chức tài chính Goldman Sachs, Công ty chứng khoán NH Investment & Securities, Hãng game Epic hay thậm chí là cả dịch vụ hẹn hò Match Group…
Không nằm ngoài sự thay đổi gần như mang tính bắt buộc trên, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào Metaverse. Tiêu biểu là Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (trực thuộc Tập đoàn Viettel) đã đầu tư vào việc nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn cả dân sự. Đồng thời, Viettel cũng xác định vũ trụ ảo sẽ sớm là mảng mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn trong những năm tới.
Hay như kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam là VNG đã có phép thử đầu tiên với Metaverse khi là một trong những nhà đầu tư chính rót số vốn lên đến 81 triệu USD vào Haegin, một dự án khởi nghiệp về metaverse của Hàn Quốc. Được biết, việc đầu tư này không chỉ nhằm mở rộng việc kinh doanh game, mảng doanh thu chính của VNG ra toàn cầu mà còn hướng đến đưa doanh nghiệp này trở thành nhà đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực thực tế ảo.
Về khía cạnh khởi nghiệp trong Metaverse, vào cuối năm 2021 vừa qua, VerseHub - Startup do người Việt làm nhà sáng lập - đã nhận được khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ GameFi nhằm triển khai các dự án liên quan tới vũ trụ ảo. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các startup Việt trong lĩnh vực Metaverse có niềm tin để gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài.
Với việc Metaverse là lĩnh vực công nghệ còn tương đối mới, khả năng để Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ vũ trụ ảo thế giới hoàn toàn khả thi. Bởi chúng ta đã tiền lệ với dự án Metaverse cực kỳ thành công là Axie Infinity, tựa game dựa trên kỹ thuật liên quan đến Metaverse này có thời điểm được định giá lên đến 8 tỷ USD.
Bài toán nhân sự
Cũng giống như nhiều mảng khác của lĩnh vực công nghệ, nhân sự chất lượng cao đang là bài toán “hóc búa” với các startup metaverse. Tuy nhiên do tính đặc thù chuyên môn cao hơn nên nhân sự dành cho vũ trụ ảo cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn, điều này cũng đồng nghĩa với việc tìm người phù hợp càng khó khăn hơn.
Theo thống kê của JobHopin, tính từ khoảng đầu năm 2021 đến nay, thông qua nền tảng tuyển dụng này, nhu cầu về nhân sự của metaverse hay các mảng có liên quan trực tiếp gồm Blockchain, DeFi đã lên đến xấp xỉ 5.000 vị trí. Nhưng nguồn nhân lực hiện có trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trên.
Trên thực tế, trong lĩnh vực metaverse, Việt Nam có khá nhiều nhân sự có chất lượng tuy nhiên hầu hết trong số này đều làm thuê cho các doanh nghiệp quốc tế lớn. Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố như lương thưởng, chế độ đãi ngộ cũng như không gian làm việc rộng lớn hơn. Cũng vì thế, nhiều startup metaverse trong nước đã phải “cắn răng” thuê nhân sự nước ngoài với chi phí cực kỳ đắt đỏ, vô hình chung đã tạo thành gánh nặng cho dự án.
Nói về tình hình nhân sự trong dự án metaverse của mình, nhà sáng lập của Whyda Phạm Minh Trí cho biết, luôn luôn thiếu hụt. Chỉ tính riêng trong mảng phát triển sản phẩm cũng như dịch vụ đi kèm, doanh nghiệp đã có 50 nhân sự. Nhưng nếu tính theo đúng nhu cầu thự tế thì số nhân sự này ít nhất phải tăng gấp 3 lần so với hiện tại.
Yêu cầu của những nhân sự chủ chốt cho metaverse là rất cao, do tính rộng lớn và trải dài nhiều lĩnh vực nên họ phải là chuyên gia trong ít nhất một lĩnh vực, không những thế tính sáng tạo và hàm lượng công nghệ cũng phải cao, từ đó mới có thể cho ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, những nhân sự thế này là cực kỳ khan hiếm, ông Phạm Minh Trí cho biết.
Để giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm trên, chuyên gia tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ Phạm Văn Nam cho rằng, cần phải có sự dịch chuyển về tuyển dụng từ các lĩnh vực công nghệ khác sang metaverse. Đây cũng là cách làm của nhiều lĩnh vực công nghệ khi phải đối đầu với bài toán thiếu hụt nhân sự.
Việc cạnh tranh bằng mức thu nhập cao là điều bất khả thi khi một startup Việt đối đầu với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực nhân sự. Thay vào đó, startup có thể đưa ra một mức lương thấp hơn nhưng kỳ vọng về tương lai sẽ cao hơn, có thể kể đến như: chia cổ phần, tiền ảo mã hóa cho chính những nhân sự mà mình muốn. Bởi trên thực tế, nếu dự án thành công thì lợi ích về mặt kinh tế mà nhân sự có được có thể sẽ lớn hơn nhiều so với mức thu nhập làm cho một doanh nghiệp tầm cỡ.
Cũng theo ông Phạm Văn Nam, tự đào tạo nhân sự cũng là điều cần đặc biệt đầu tư. Việc "săn" nhân sự liên tục có khả năng đưa tình trạng tài chính của startup đến mức nguy hiểm và nhanh chóng cạn vốn. Do đó, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Đào lại nhân sự từ các mảng công nghệ khác sang hoặc lấy ngay sinh viên vừa mới ra trường để bắt đầu hướng dẫn mới là hướng đi lâu dài.
Trong các lĩnh vực như: Phần mềm, game, đồ họa… mô hình đào tạo nhân sự từ ngạch khác chuyển qua hay từ gốc đã được áp dụng và khá thành công. Mặc dù metaverse là lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao hơn nhưng nếu có chiến lược đào tạo lâu dài như kết hợp với các trường đại học để thực hiện thì nhu cầu nhân sự chắc chắn sẽ dồi dào hơn nhiều so với hiện tại, chuyên gia tuyển dụng nhấn mạnh.