Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ việc học sinh bị bỏng tại phòng thí nghiệm: Bài học cho các nhà trường

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc học sinh (HS) bị bỏng trong phòng thí nghiệm trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) thực sự là lời cảnh báo về công tác giám sát thực hành, cũng như trách nhiệm của giáo viên.

Sau vụ việc này, lãnh đạo các trường phổ thông đều cho biết sẽ siết chặt công tác quản lý, chỉ đạo giáo viên, nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm an toàn cho HS.

Nguy cơ tai nạn là có thật

Hầu hết giáo viên cũng như lãnh đạo các trường được hỏi đều thừa nhận nguy cơ có thể xảy ra tai nạn trong quá trình làm thí nghiệm những môn học thực hành, đặc biệt với môn Hóa học là rất lớn. Đây là nỗi lo thường trực của lãnh đạo nhà trường, bởi như bà Nguyễn Thị Phương Anh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ, nhiều HS rất nghịch, bỏ qua yêu cầu của thầy cô giáo. Mặc dù có giáo viên bộ môn và nhân viên phòng thực hành cùng giám sát giờ thí nghiệm, nhưng không thể cùng lúc quan sát được hết mấy chục HS trong lớp. "Đặc biệt với môn Hóa học, bàn làm thí nghiệm đều có vách ngăn theo tiêu chuẩn phòng thực hành, tuy nhiên, lại gây khó khăn cho giáo viên trong việc quan sát HS. Nếu có em HS nào đó tò mò, thích quậy phá, có thể pha trộn nhiều loại hóa chất với nhau mà không hiểu hết tác hại của hành vi này” - bà Phương Anh cho hay.
 Giờ thực hành môn Hóa - Sinh của học sinh trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trung Quý
Ghi nhận thực tế ở một số nhà trường cho thấy, việc quản lý HS gặp không ít khó khăn do mỗi trường chỉ có một biên chế cho nhân viên phòng thí nghiệm, nhưng lại có nhiều giờ, nhiều môn thực hành cùng một thời điểm. Thế nên mới có tình trạng giờ học thực hành có HS của nhiều lớp sử dụng chung dụng cụ thực hành. Bà Nguyễn Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) không giấu, cả trường chỉ có một phòng thí nghiệm, trong khi đó, có những tiết học có đến vài lớp có giờ thực hành, thí nghiệm. Để khắc phục khó khăn, giáo viên bộ môn phải đăng ký giờ thực hành với nhân viên phòng thí nghiệm (trong cùng 1 tiết có vài lớp có giờ thí nghiệm) để tránh chồng chéo, hơn nữa để việc quản lý HS tốt hơn. “Việc cháy nổ không nói hay được. Hóa chất có thể gây nổ, cháy bất kỳ lúc nào. Nguyên nhân có nhiều, do thời gian, các công cụ có thể bị oxy hóa, HS nghịch..." - bà Nguyễn Thị Huyền nói thêm.

Lãnh đạo các trường được hỏi đều cho biết đã có yêu cầu nhân viên phòng thí nghiệm kiểm tra, thay thế những dụng cụ thiếu an toàn. Đặc biệt, không cho HS tự tiện lấy dụng cụ, hóa chất, kể cả việc rửa dụng cụ cũng phải có sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên, nhân viên phòng thí nghiệm. Yêu cầu là vậy, quy định là vậy, song bất trắc nhiều khi vẫn không thể kiểm soát hết được, khi học sinh thì đông, mà chỉ có 1 giáo viên với 1 nhân viên giám sát. Đấy là chưa nói đến việc đầu tư cơ sở vật chất cho phòng thí nghiệm nhà trường và các dụng cụ thí nghiệm còn khá khiêm tốn.

Tăng cường quản lý

Nguy cơ xảy ra tai nạn luôn thường trực, song sự việc xảy ra ở trường THPT Phan Đình Phùng mới thực sự là lời cảnh báo đối với lãnh đạo các nhà trường trong việc quản lý giờ học thực hành. Bà Phạm Thị Tâm – Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho hay, vào đầu năm học, nội quy sử dụng phòng thí nghiệm đều được phổ biến kỹ từ giáo viên, nhân viên cho đến HS. Tuy nhiên, các em đang lứa tuổi thích tìm tòi, ưa khám phá, hiếu động nên giải bài toán này không chỉ nhà trường làm được. Để hạn chế đến mức thấp nhất, giờ thực hành, các trường đều yêu cầu giáo viên bộ môn, nhân viên phải có mặt cùng HS. "Việc này trường đã làm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, qua vụ HS bị bỏng của trường THPT Phan Đình Phùng, chúng tôi yêu cầu giáo viên, nhân viên của trường phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm, quán xuyến, giám sát chặt chẽ trong các giờ thực hành, thí nghiệm cho HS, làm sao bảo đảm an toàn cho HS, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc” – bà Tâm bày tỏ.

Còn lãnh đạo trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, để tránh gây ra những tình huống tai nạn trong giờ thực hành, nhà trường yêu cầu nhân viên phụ trách phòng thí nghiệm quản lý chặt kho hóa chất. Nhân viên phòng thí nghiệm phải trực tiếp cung cấp thiết bị, đồ dùng, hóa chất thí nghiệm theo yêu cầu của giáo viên bộ môn chứ không giao cho HS chuẩn bị. Giáo viên cũng phải giám sát thường xuyên, không để HS tự ý làm thí nghiệm.

Qua vụ việc xảy ra ở trường THPT Phan Đình Phùng mới thấy, rõ ràng việc hướng dẫn và quản lý giờ học thực hành không phải nơi nào cũng chỉn chu, đúng quy định. Các phụ huynh khi được hỏi đều đề nghị các nhà trường phải tăng cường quản lý việc sử dụng, bảo quản hóa chất cũng như giám sát HS và trang bị kiến thức phòng chống tai nạn cho HS; Nhân viên phòng thí nghiệm phải trực tiếp cung cấp thiết bị, đồ dùng, hóa chất thí nghiệm theo yêu cầu của giáo viên bộ môn, liên tục giám sát HS thực hành, thực ra là những yêu cầu rất căn bản, thuộc về quy định của giờ học thực hành. Vấn đề chính còn nằm ở trách nhiệm của giáo viên và nhà trường đối với từng giờ thực hành của HS.